Dậy thì là một giai đoạn phát triển “bước ngoặt” của tuổi vị thành niên. Trước khi bước vào tuổi dậy thì chính thức nghĩa là khi cơ thể đã phát triển tới mức có thể sinh sản, vị thành niên trải qua một thời kỳ phát triển nhanh về hình thái và chức năng. Tuổi dậy thì với những xúc cảm đột biến về tâm sinh lý rất cần được cha mẹ quan tâm, đón đầu để dắt con bình an bước đến tuổi trưởng thành.
Dấu hiệu dậy thì
Tuổi dậy thì đến sớm hay muộn tuỳ từng người, từng thời đại, từng nền văn hoá. Ở nhiều cộng đồng, trẻ em được công nhận là người trưởng thành sau khi trải qua một nghi thức ở tuổi dậy thì. Những nghi thức đó có thể là những bài học hoặc những thử thách đặc biệt dành cho nam, nữ thanh niên, sau đó họ mới đuợc coi là có đủ tư cách để lấy vợ lấy chồng.
Ở nước ta, hình như không thực hành nghi thức gì để công nhận sự bước vào tuổi sinh sản, nhưng nhìn chung tập quán thường thấy ở nhiều cộng đồng (kể cả dân tộc Kinh và các dân tộc khác) là người mẹ hoặc một người có uy tín nào đó trong họ dạy cho con gái sắp đi ở riêng một số kiến thức về “chuyện chăn gối vợ chồng”.
Những dấu hiệu của tuổi dậy thì xuất hiện theo trình tự thời gian khác nhau và đặc điểm sinh lý khác nhau ở nam và nữ. Cơ chế thần kinh nội tiết nào đã phát động những diễn biến gấp gáp ở tuổi dậy thì? Vai trò chính là các hormone. Tuyến tùng ở não luôn tiết ra hormone melanin kìm hãm hiện tượng dậy thì. Khi nồng độ melatonin giảm thì hiện tượng dậy thì mới bắt đầu xuất hiên. Những thay đổi về nồng độ của melatonin đã hoạt hoá cả hệ thống nội tiết chỉ huy sự phát triển của cơ thể. Mỗi bộ phận của hệ thống nội tiết này có vai trò riêng chi phối tuổi dậy thì.
Vùng dưới đồi ở sàn não là trung tâm chỉ huỵ sự phát triển, chi phối tuyến yên và tuyến này lại chi phối các tuyến giáp trạng, thượng thận và tuyến sinh dục (buồng trứng và tinh hoàn). Ngày nay, người ta biết rằng tuổi dậy thì bị chi phối bởi cả một phức hệ thần kinh – nội tiết có tác dụng qua lại lẫn nhau. Các hocmone chỉ huy hiện tượng dậy thì đã có ngay từ tuổi nhỏ của con người, thậm chí ngay từ thời kỳ bào thai. Tuy thế, sự phát triển tính dục trong tuổi dậy thì không hoàn toàn chịu sự chi phối của sinh học.
Những xúc cảm tình dục
Cùng với sự trưởng thành ở bộ máy sinh sản nam nữ ở tuổi dậy thì bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu của sự phát triển tính dục hướng vào đối tượng khác giới, đó là những xúc cảm tình dục và ham muốn tình dục. Xúc cảm tình dục là những tình cảm có sức cuốn hút mạnh mẽ với một người nào đó, cả khi gần cũng như khi xa, lúc đầu có thể nặng về tâm hồn nhưng sau khi đã có những cử chỉ vuốt ve, ôm hôn… thì dễ để lại ấn tượng cho nhau. Những cuộc gặp gỡ với mức độ quyến luyến, mạnh bạo tăng dần, kèm theo những biến đổi về sinh lý ở cả hai người khiến các em dễ đi quá giới hạn.
Những chuyên gia về tâm lý và tính dục học cho rằng, không nên né tránh việc cung cấp những thông tin cần thiết về sinh lý tình dục để các em tự biết phòng tránh, kiềm chế được ham muốn tình dục, biết tôn trọng và có trách nhiệm với nhau.
Ngoài vai trò của hormone ra, ham muốn tình dục còn chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nữa, trong đó giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. Nó chịu sự tác động của nhiều nhân tố phối hợp như văn hoá dân tộc, tâm lý, học vấn, sức khoẻ.. và tác động một cách khác nhau đến từng người. Ham muốn tình dục ở tuổi dậy thì là một hiện tượng sinh lý bình thường. Chỉ có điều cần nhìn nhận cho đúng một số biểu hiện của sự ham muốn đó, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển tính dục, giáo dục những chuẩn mực giá trị trong đời sống và trong mối quan hệ nam nữ.
Trong tuổi dậy thì, nam và nữ (ít hơn) có thể có hành động tự kích dục nhằm gây khoái cảm cho bản thân mình. Nhiều bậc cha mẹ lo ngại hành vi này. Tuy nhiên, tất cả những sách giáo khoa về tính dục đều không có ý kiến chỉ trích và những chuyên gia về sức khoẻ tâm thần cũng coi tự kích dục là bình thường. Chỉ có điều, cần giúp các em có hiểu biết về sinh lý tuổi dậy thì và biết giải phóng những xung năng tính dục của mình vào những hoạt động văn hoá, thể thao lành mạnh.
Theo 2gioitinh