Sự say mê của một bộ phận giới trẻ với sách ngôn tình khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Những mối tình ướt át, sự mô tả đầy thô thiển chuyện tình dục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của giới trẻ.
Đã có không ít bài viết đề cập đến thực trạng và hậu quả của việc “mê” ngôn tình của một bộ phận bạn trẻ. Nhưng tại sao giới trẻ lại say mê những câu chuyện ngôn tình đến vậy?
Giới trẻ mê tiểu thuyết ngôn tình, vì đâu?
Tuổi mới lớn là lúc chúng ta bắt đầu biết yêu bằng những rung động non nớt và ngây thơ về tình yêu. Mong muốn tìm hiểu, khám phá tình yêu là nhu cầu chính đáng của giới trẻ. Tuy nhiên, việc giáo dục kiến thức giới tính, kỹ năng sống (trong đó có kiến thức về tình yêu – giới tính) chưa được chú trọng một cách đúng mức ở trường phổ thông.
Sự thiếu kiến thức cùng nhu cầu tìm hiểu về bản thân, về tình yêu ngày một lớn khiến một bộ phận giới trẻ tìm đến sách ngôn tình như một “cứu cánh” giúp họ có được một tình yêu lý tưởng. Vì vậy, những cái tên sách kiểu như Chát với tình địch, ngoại tình, Trung tâm phục hồi cảm xúc hậu thất tình, Yêu và yêu, thế thôi, Kế hoạch cua trai, Yêu lại nhau, như thể lần đầu, Ai cũng phải học cách quên đi một người, Người yêu cũ có người yêu mới, Ai cho em nằm trên? Nếu như chưa từng gặp anh, Yêu trên từng ngón tay, Yêu như một cái cây, Yêu đi rồi khóc, Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng, Yêu là để yêu…có một sức hút mãnh liệt với giới trẻ.
Một điểm chung của sách ngôn tình là chủ yếu đề cập đến những chuyện tình lãng mạn. Những mối tình lãng mạn, những người tình lý tưởng luôn là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ. Và chỉ đến với sách ngôn tình, các em mới có thể gặp “người tình lý tưởng” của mình cũng như thỏa mãn trí tò mò về chuyện đi đến tận cùng trong tình yêu là tình dục mà thôi. Tuy nhiên, cách miêu tả tình yêu lãng xẹt có thể tạo nên những quan niệm hão huyền, viển vông về tình yêu đôi lứa.
Sự dễ dãi trong việc cấp phép xuất bản cho các tác phẩm ngôn tình khiến cho loại sách này có cơ hội xuất hiện tràn lan và làm “nhiễu loạn” thị trường sách.
Việc thiếu kỹ năng chọn sách khiến các em dễ dàng bị choáng ngợp trước “biển” sách ngôn tình. Tất nhiên, những nhà sách, các tác giả ngôn tình rất biết cách “tiếp thị” sản phẩm của mình đến đối tượng độc giả trẻ. Điều này khiến các em không mấy do dự khi quyết định lựa chọn các cuốn sách ngôn tình như một loại “gối đầu giường” của mình.
Để loại bỏ sách ngôn tình…
Về cơ bản, sách ngôn tình không phải là thể loại văn học xấu. Tác giả trẻ Phạm Phương (phụ trách của Heritage Space – Hội chợ sách mùa hè 2015) bày tỏ quan điểm: “Đọc tiểu thuyết ngôn tình cho tôi một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống và suy nghĩ của những người trẻ tuổi khác. Khác với một cuộc sống nhiều định kiến, nhiều suy nghĩ và đôi khi khá tàn nhẫn, tiểu thuyết ngôn tình là một thế giới nhẹ nhàng hơn và tươi đẹp hơn rất nhiều. Nói như thế không có nghĩ là xây dựng một ảo tưởng, đó đơn giản chỉ làm cho người ta tự tin hơn vào những điều tốt đẹp luôn tồn tại trong cuộc sống.”
Bản thân thể loại ngôn tình cũng có không ít tác phẩm có giá trị văn học và ý nghĩa nhân văn đáng trân trọng. Vì vậy, nếu đánh đồng tất cả tiểu thuyết ngôn tình là “rác văn hoá”, có phần chưa thực sự công bằng với thể loại văn học này. Chỉ những cuốn “dâm thư” đội lốt ngôn tình mới cần phải được loại bỏ khỏi đời sống văn học.
Để làm được điều này, việc giáo dục kỹ năng lựa chọn sách và một “bộ lọc” văn hoá cho giới trẻ là vô cùng cần thiết.
Các bậc phụ huynh, thay vì lo ngại và đổ hết tội cho các NXB thì cũng cần quan tâm đến việc định hướng và giáo dục cho con mình cách nhận thức cũng như phân biệt các loại sách cần đọc.
Thêm vào đó, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, nâng cao kiến thức tình yêu giới tính cho giới trẻ cũng là cách giúp các em có cái nhìn thực tế và đúng đắn hơn đối với cuộc sống. Khi đó, những mô tả đầy ảo tưởng trong các cuốn sách ngôn tình sẽ không còn đất sống. Đây là cách tốt nhất để loại bỏ những cuốn sách ngôn tình độc hại ra khỏi tủ sách của bộ phận giới trẻ.
Dương Thảo/Theo VietNamNet