GiadinhNet – “Cô ơi, thủ dâm là tốt hay xấu, có ảnh hưởng gì đến tương lai và cuộc sống sau này không?”, “Có phải không thấy kinh nghĩa là đã có thai?”, “Mẹ em bảo quan hệ tình dục là rất xấu, có phải thế không cô?”… Rất nhiều câu hỏi “hóc búa” đã được các em học sinh THPT mạnh dạn đặt ra trong buổi sinh hoạt ngoại khóa cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Sinh hoạt ngoại khóa về SKSS giúp các em gái biết bảo vệ mình. Ảnh: PV
Những câu hỏi đáng “giật mình”
Trong một buổi tham gia tư vấn ngoại khóa về sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên trong trường học tại Trường THPT Phạm Tiến Ðông, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chúng tôi rất ngạc nhiên về những câu hỏi và sự quan tâm của các em về vấn đề này.
Em Mạnh Trung, học sinh lớp 11 cho biết: “Em thấy các phương tiện thông tin hay nói về chuyện có nhiều bạn đang là học sinh mà có quan hệ yêu đương dẫn đến nạo hút thai. Trên thực tế, qua bạn bè em biết là có chuyện đó. Nhiều lúc em rất bối rối và hoang mang trước những cảm xúc mới lạ nhưng không biết tìm câu trả lời ở đâu. Chúng em không đủ can đảm để hỏi bố mẹ và thầy cô một cách thẳng thắn, mà tự tìm hiểu về giới tính qua sách báo, Internet”.
Em Tuyết Vân, học sinh lớp 10 thì băn khoăn “cứ không thấy kinh nghĩa là có thai?” mà không biết rằng phải có quan hệ tình dục thì mới xảy ra chuyện này… Hoặc nhiều em có những câu hỏi khá ngây ngô như “có phải mỗi lần quan hệ xong, uống thuốc tránh thai khẩn cấp là yên tâm?”, “quan hệ tình dục “an toàn” là quan hệ với… người mình yêu?”…
Những câu hỏi trên của các em học sinh khiến các thầy cô và những người tham gia tư vấn về SKSS cho các em giật mình. Nó cho thấy một thực tế là nhu cầu được cung cấp thông tin và những hiểu biết về vấn đề giới tính, tình yêu, tình dục của các em là khá lớn. Một cô giáo dạy lớp 6 tại một trường ở Hà Nội đã “choáng váng” khi bắt được nội dung thư tay của học trò gửi cho một bạn trai cùng lớp: “Chồng” à! Tí nữa em ra nhà vệ sinh trước rùi 5 phút sau “chồng” ra nhé, chúng mình sẽ làm như trong phim hôm nọ em xem…”. Chuyện nhiều em học sinh phổ thông gọi nhau là “chồng”, “vợ” rồi đánh ghen, dằn mặt nhau vì chuyện yêu đương là một thực tế đáng suy nghĩ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, 82,1% cha mẹ chưa bao giờ trao đổi với con về tình dục. Thêm vào đó là nền giáo dục Việt Nam còn thiếu thông tin kiến thức về SKSS, phần lớn các em tự tìm hiểu qua nhiều con đường khác nhau. Sự nhìn nhận một cách tiêu cực về nạo phá thai đã gây nên tình trạng nhiều em lo sợ, xấu hổ, tiến hành nạo phá thai ở nơi bí mật và bất hợp pháp. Tại các phòng khám tư nhân, mọi thủ tục đều được thực hiện khá đơn giản, thậm chí không cần kê khai chứng minh thư hay giấy tờ cá nhân. Khi có thai nhiều em không hay biết hoặc biết thì cố tình giấu bố mẹ, tự tìm đến các cơ sở y tế tư nhân phá thai chui và đã phải gánh chịu hậu quả khôn lường như: Thủng tử cung, nhiễm trùng, sót thai… Hệ lụy của vấn đề này đã khiến nhiều em bị vô sinh khi trưởng thành, thậm chí phải trả giá đắt bằng mạng sống của chính mình.
Lồng ghép hài hòa vào đặc thù các môn học
Đứng trước vấn đề giáo dục giới tính, các bậc cha mẹ có nhiều thái độ: Tán thành, phản đối hoặc ngập ngừng. Trên thực tế, lối sống của trẻ vị thành niên (VTN) không giống như những thế hệ trước. Có nhiều em tỏ ra quá “sành sỏi” về chuyện này, nhiều em thì hoang mang không dám hỏi, thiếu sự hiểu biết về SKSS vì: “Mẹ em bảo quan hệ tình dục là rất xấu, đứa con gái nào tò mò, tìm hiểu về chuyện này là người không đứng đắn, đáng lên án, đáng xấu hổ”… Vô hình trung, nhiều phụ huynh đã tước đi quyền được tiếp cận và hiểu đúng đắn về giới tính, SKSS của con em mình, khiến chúng lúng túng và phạm sai lầm khi lỡ “ăn trái cấm”.
PGS.TS Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định: Trong thế giới bùng nổ thông tin, tuổi dậy thì của các em ngày càng sớm từ 10-11 tuổi. Điều kiện để tiếp xúc với phim ảnh tình dục lại quá dễ dãi, cha mẹ ít có thời gian quan tâm đến con cái… dẫn đến các em mang bầu khi còn quá trẻ. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, 6 tháng đầu năm nay đã có gần 5.000 ca đến phá thai, trong đó các bạn trẻ VTN, thanh niên (từ 15 – 19 tuổi) chiếm tỷ lệ không nhỏ. Hàng năm, Bệnh viện Từ Dũ có khoảng 26.655 trường hợp phá thai, trong đó VTN chiếm 6,05%. Tỷ lệ này không biến động nhiều trong những năm qua, nhưng còn cao so với các nước trên thế giới. BS Chương cũng cho rằng, việc giáo dục giới tính cần phải được đưa vào nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.
Những người làm công tác giáo dục và những người làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cũng đã kiến nghị đưa nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên vào chương trình giảng dạy, nội dung phù hợp với cấp học và bậc học. Bà Nguyễn Thị Hiền, Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục DS-KHHGĐ) cho biết: Việc giáo dục về dân số, SKSS/KHHGĐ đã được đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường qua các bài giảng riêng hoặc lồng ghép ở một số môn học. Theo đó, những chương trình ngoại khóa về dân số, SKSS vị thành niên trong giai đoạn 2008 – 2013 đã có những kết quả nhất định.
Bắt đầu từ năm 2014, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với ngành giáo dục xây dựng mô hình giáo dục ngoại khóa về giáo dục dân số và SKSS vị thành niên trong trường THPT phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và từng vùng, miền. Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho biết thêm thời lượng dành cho các bài học này còn rất khiêm tốn. Hầu hết giáo viên dạy các tiết học này là kiêm nhiệm nên kiến thức và kinh nghiệm thực tế còn hạn hẹp, do đó kết quả chưa cao. Điều đó đòi hỏi tiếp tục sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Dân số với ngành Giáo dục và vai trò của Đoàn Thanh niên từ Trung ương tới các địa phương; sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các bậc phụ huynh và của các em VTN, thanh niên.
Những kết quả ban đầu của mô hình ngoại khóa
Hoạt động ngoại khóa về dân số, SKSS trong nhà trường phổ thông đang được triển khai theo hai con đường là ngoại khóa môn học, lồng ghép hài hòa theo đặc thù của các môn Sinh học, Văn, Địa lý… và ngoại khóa theo chủ đề như “Tình bạn – tình yêu”, “Các bệnh lây truyền qua đường tình dục” giúp các em học sinh tiếp thu các thông tin bổ ích, thiết thực một cách hào hứng…
Hiện nay, 100% các tỉnh, thành phố đều triển khai mô hình, với mỗi tỉnh lựa chọn 15 trường THPT để triển khai. Từng trường đảm bảo mục tiêu 100% học sinh ở các trường THPT được cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản về chăm sóc SKSS thông qua nhiều hoạt động hấp dẫn, phong phú do nhà trường tổ chức như: Nói chuyện ngoại khóa, tổ chức các câu lạc bộ, tổ tư vấn, thi hái hoa dân chủ… để nâng cao kỹ năng chăm sóc SKSS cho học sinh.
Hà Anh