Xa quê lên các đô thị để học hành và lập nghiệp nhiều bạn sinh viên do xa gia đình, thiếu sự quan tâm chăm sóc nên nhiều bạn đã dọn đển ở chung với nhau để san sẻ tiền phòng trọ và tiền sinh hoạt, nhưng hậu quả của nó nhiều bạn trẻ cũng không lường trước được.
Sống thử được một năm, Thảo đau đớn ôm bụng vào viện giải quyết “sản phẩm” tình yêu
Khái niệm sống thử giờ đây đã trở nên quen thuộc với tất cả các bạn trẻ, đặc biệt là giới sinh viên. Và dường như, chuyện các cô cậu sinh viên ăn ở với nhau cũng đã trở thành chuyện muôn thuở trong suy nghĩ của mọi người.
Sinh viên thích sống thử?
Sẽ không có gì là lạ nếu ta vô tình đi vào một xóm trọ nào đó và bắt gặp các cặp đôi sống chung như vợ chồng. Nếu bạn vào google gõ hai từ “sống thử” thì có tới 56.800 kết quả – một con số không hề nhỏ. Theo các cặp đôi sống thử thì nguyên nhân chủ yếu để họ về sống chung với nhau là để tiết kiệm chi phí phòng trọ, để có thể bù đắp về tinh thần lẫn tình cảm cho nhau.
Có nhiều bạn trẻ cho rằng, sống thử là điều kiện cần để tiến tới hôn nhân hạnh phúc. Nhưng liệu cặp đôi nào sống thử trước hôn nhân cũng có một cuộc sống hạnh phúc sau này?
Tùng là sinh viên Bách Khoa, Chi là sinh viên ĐHSPHN. Hai người cùng quê, yêu nhau từ năm lớp 12 nhưng chỉ tới khi cả hai đỗ đại học, họ mới công khai chuyện tình cảm. Đi học xa nhà, không có sự quản lý của bố mẹ nhưng họ vẫn giữ gìn được tình yêu trong sáng trong sự ngưỡng mộ của bạn bè.
Cho đến khi cả hai đi làm, Tùng mới rủ Chi về sống chung với lý do: “Cả hai giờ đã có việc làm ổn định, chỉ đợi một thời gian nữa sẽ tổ chức đám cưới nên sống thử trước hôn nhân cũng là một việc cần làm “. Sống chung với nhau được một năm rưỡi thì đám cưới của họ diễn ra khi cả hai vừa bước sang tuổi 25 và đã có công ăn việc làm ổn định.
Cũng là sống thử nhưng Thảo và Tuấn lại dọn đến sống chung với nhau khi cả hai vừa bước vào năm thứ hai đại học. Thảo học ĐHGTVT, còn Tuấn là sinh viên trường Mỏ, cả hai đều rất yêu nhau và quyết định góp gạo thổi cơm chung. Thời gian đầu, tình yêu của họ rất được mọi người ngưỡng mộ nên bạn bè ai cũng ủng hộ khi hai người quyết định về thổi cơm chung.
Ban đầu, đôi trẻ sống rất vui vẻ nhưng những tháng ngày sau đó, hai người bắt đầu xảy ra xích mích… và đỉnh điểm là khi Thảo cho biết, cô đã có thai. Trái với sự lo lắng của Thảo, Tuấn lại tỏ ra thờ ơ, không quan tâm. Và càng đau đớn hơn khi Tuấn không tin đứa con trong bụng Thảo là của mình. Nói đúng ra là Tuấn không muốn chịu trách nhiệm về cái thai trong bụng người yêu.
Sau một năm chung sống, cả hai quyết định chia tay vì những xích mích, vì những lần cãi vã và thậm chí là đánh nhau mà người đau khổ nhất là Thảo. Và cô đành phải bỏ đứa con trong bụng mình vì bản thân còn đang đi học, thân mình còn không lo được thì làm sao lo được cho đứa bé?
Ai là người chịu thiệt thòi?
Hà năm nay 21 tuổi, là sinh viên năm hai của một trường đại học ở Hải phòng, Mạnh 25 tuổi, phải bươn chải cuộc sống vất vả ở ngoài nên bây giờ, cậu vẫn đang học tại một trường cao đẳng ở Hà Nội. Hai người yêu nhau từ lúc Hà còn đang học lớp 12 và đến bây giờ đã được gần ba năm.
Lúc đầu, mỗi lần Mạnh đến chơi thì chỉ đến tối đã bị Hà đuổi về, vì Hà ý thức được những điều có thể xảy ra nếu đêm Mạnh ở lại và hai đứa ngủ chung giường. Và rồi vì yêu nhau quá, vì cả những hôm trời mưa rào tầm tã, thương người yêu nên Hà đành để Mạnh ở lại phòng mình ngủ.
Lần đầu tiên Mạnh ở lại qua đêm, Hà còn sang phòng bạn ngủ nhờ nhưng về sau, những lời nói có trách nhiệm của Tuấn khiến Hà an tâm hơn và quyết định ngủ chung giường. Ý thức được mình đang là sinh viên nên mỗi lần quan hệ, cả hai đều chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Nhưng để tiến tới được một đám cưới mà cả hai mong đợi thì phải chờ ít nhất là hai năm nữa, lúc đó Hà mới học xong, thời gian để thử thách tình yêu của họ là quá nhiều.
Hậu quả khôn lường
Có vô vàn lý do để các bạn trẻ rủ nhau sống thử và cũng có không biết bao nhiêu kết quả sống thử để lại, hạnh phúc có, khổ đau cũng nhiều.
Kết thúc những ngày sống thử bằng một đám cưới hạnh phúc như Tùng và Chi thì ai cũng mong muốn! Nhưng khoảng bao nhiêu cặp sống thử có được cái kết có hậu như vậy? Hay là một kết cục buồn và đau khổ như Thảo và Tuấn, thay vì được người yêu bảo vệ, quan tâm, che chở thì chính Thảo phải đứt ruột, phải cắn răng chịu đau để bỏ đi giọt máu của mình, bỏ đi tình yêu hạnh phúc thì ít mà đau khổ thì quá nhiều.
Mà đáng buồn thay, các cặp đôi sống thử bây giờ có kết quả như Thảo và Tuấn là khá nhiều. Hay không biết tương lai rồi sẽ đi về đâu, sẽ như thế nào của Hà và Mạnh khi mà cả hai đều đang đi học, đều đang phụ thuộc vào từng đồng tiền cha mẹ gửi cấp?
Có thể nói sống thử là một vấn đề nhạy cảm nên có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Nhưng có một thực tế mà ai cũng biết, đó là số ca nạo hút thai ở Việt Nam ngày càng tăng lên. Sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên khi trung bình cả nước mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, chiếm 60-70%. Riêng tại Hà Nội, tỉ lệ thanh thiếu niên chiếm khoảng 30% dân số trong khi đó tỉ lệ nạo phá thai chiếm trên 22%. Đây là lý do tại sao sống thử bị xã hội phản đối hơn là đồng tình.
Sống thử còn cướp đi quyền làm mẹ của không biết bao nhiêu người chỉ vì trong quá khứ họ đã từng nạo hút thai quá nhiều. Làm mẹ đó là quyền, là niềm hạnh phúc của tất cả mọi người phụ nữ, thử hỏi họ sẽ như thế nào nếu biết mình không có khả năng sinh con?
Hạnh phúc như Tùng và Chi cũng có, đau khổ như Thảo và Tuấn cũng nhiều, không định hình được tương lai như Hà và Mạnh cũng không ít. Nhưng có một thực tế là hậu quả của sống thử để lại là không lường trước được, vì vậy các bạn sinh viên hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi góp gạo thổi cơm chung, làm sao để có một kết quả tốt đẹp nhất!