GiadinhNet – Các bậc phụ huynh hoặc để trẻ “tự bơi” khi đến tuổi dậy thì, hoặc cấm đoán suy nghĩ tới chuyện “yêu”. Ít ai chịu khó hướng dẫn tỉ mỉ cho con cái những nguy hại của việc “nếm trái cấm” sớm.
Tôi xin mở đầu bài viết của mình với một câu chuyện mà tôi chứng kiến vào dịp đầu hè năm nay. Tôi chuyển về ở trọ đến nay đã được một năm ở tại một con hẻm của Sài Gòn, trong những dãy nhà tôi ở có cả sinh viên, có cả người đã đi làm và một vài gia đình thuê trọ. Trong số gia đình thuê trọ tôi biết gia đình chú L. Vợ chú L đi bán vé số. Ngày trước chú ở nhà đi giao bánh nhưng sau đó xin được làm bảo vệ ở một công ty. Hai vợ chồng sáng đi tối về. Vào năm học thì không nói, nhưng vào dịp hè thì các em ở nhà tự chơi với nhau. Tôi ở tầng 1 nên những chuyện xẩy ra xung quanh tôi nắm được khá rõ. Khi vừa mới bắt đầu hè, tôi nghe cô con gái đầu của vợ chồng chú L nói chuyện rủ rê bạn bè đi chơi với lý do “ở nhà chán quá”. Hai hôm sau tôi nghe tiếng của ông chủ nhà nói với con bé “Lần sau cháu không có được rủ bạn bè tới nhà chơi nữa đâu nhé!”
Từ trong căn phòng, một cậu chàng chạc tuổi 16-17 bước ra. Thực sự tôi hết sức ngỡ ngàng, không thể tin được. Chúng tôi ở đây gần một năm, mỗi khi có bạn bè tới chơi đều xin phép chủ nhà. Còn cô bé năm nay vừa vào lớp 6 đã dẫn bạn trai về phòng chơi, rồi cả việc ba mẹ không ở nhà trong những khoảng thời gian như vậy… Tôi không dám khẳng định là có chuyện gì xảy ra hay không, nhưng với một môi trường như vậy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho hai đứa trẻ đang lớn, đặc biệt là cô bé lớp 6 đang ở vào tuổi dậy thì, tuổi mà hóc môn sinh dục đang phát triển một cách mạnh mẽ như chiếc chồi non vừa bật khỏi mặt đất. Không ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra khi các bé ở trong một môi trường rất thuận lợi như vậy.
Câu chuyện phải chứng kiến làm tôi nhớ lại thời tôi ở độ tuổi như em. Đó khi tôi bắt đầu nhận ra sự thay đổi của bản thân mình, thích được người khác quan tâm và chú ý. Tuy nhiên ngày đó, vào lứa tuổi đó, ở nhà chúng tôi không “rảnh” đến mức “phải chán quá” như tụi trẻ bây giờ. Chúng tôi phải làm việc nhà, thậm chí phụ việc kiếm tiền giúp bố mẹ. Không chỉ ngày hè mà ngay cả trong năm học, chúng tôi cũng chỉ đi học một buổi, còn một buổi ở nhà phụ giúp đỡ đần công việc cho ba mẹ. Có lẽ nhờ vậy là những đứa trẻ chúng tôi ngày đó không bị rơi vào cảm giác chán chường vì sống “vô tích sự” như trẻ hiện nay. Mỗi ngày qua đi, tôi cảm nhận được niềm vui của ba mẹ qua những việc làm hàng ngày. Ba mẹ hỏi han mỗi ngày rằng chúng tôi đi đâu, về đâu, làm gì. Việc dẫn bạn khác giới đến nhà vào tuổi cập kê đó là không bao giờ có.
Dẫu biết rằng mọi phép so sánh giữa thời điểm này và thời điểm khác là khập khiễng. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò từ phía gia đình trong giáo dục các em. Nhắc lại thì có phần quen thuộc và có phần như “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng nếu như quan sát các gia đình ở thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh thì nhiều bậc phụ huynh cứ nghĩ rằng mình cung cấp đầy đủ về vật chất cho con em là được. Một cái được, nhiều cái mất tiềm ẩn mà nhiều bậc phụ huynh chẳng hay!
Trẻ vị thành niên không được giáo dục giới tính. Tranh của báo Tuổi trẻ
Hiện nay các bậc cha mẹ thường có hai xu hướng:
1. Một các bậc phụ huynh để con trẻ “tự bơi” khi đến tuổi dậy thì. Họ nghĩ rằng con mình còn quá nhỏ, chúng vẫn là những đứa trẻ. Do vậy họ chưa bao giờ họ nghĩ đến việc phải trao đổi với con những câu chuyện về tình yêu – giới tính. Họ nghĩ rằng con mình chưa cần biết và đến độ tuổi nó tự khắc sẽ biết, có lẽ chính cái suy nghĩ có phần “chủ quan” và “tự nhiên” như kiểu “trời sinh voi trời sinh cỏ” làm không ít bậc phụ huynh té ngửa khi con mình mang bầu, hay phạm tội “hiếp dâm” trẻ con…
2. Xu hướng thứ hai là cấm đoán. Do không có phương pháp giáo dục con trẻ một cách đúng đắn nên các bậc cha mẹ này thường đưa ra các lệnh “cấm”: mày không được cái này, không được cái kia. Các vị cấm đoán nhưng hoàn toàn không có một lời giải thích cho con đang ở tuổi vị thành niên, vì sao con không được làm như vậy và bao giờ thì phù hợp cho một mối quan hệ.
Trong khi cha mẹ cấm đoán thì các em vốn ở tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, lại thích thể hiện mình nên các em đã bằng mọi cách chống đối lại các “lệnh cấm” của cha mẹ mình. Nhiều trẻ sẵn sàng làm điều ngược lại để cái “tôi” được thừa nhận. Cái gì càng cấm thì trẻ càng tò mò, như vậy phương pháp giáo dục không đúng đã làm phản tác dụng. Chính khi đứa trẻ không còn giữ được mình, thì cũng là lúc hệ lụy để lại rất lớn.
Trong lúc gia đình cảm thấy bối rối trong giáo dục giới tính, tình yêu, tính dục, sức khỏe sinh sản cho con em mình thì các thầy cô, những người đang được coi như “cái phao” cho mọi vấn đề cũng đang bất lực.
Quay trở lại với những chương trình giáo dục sinh sản và kỹ năng sống hiện nay. Rất nhiều trường có phòng tham vấn học đường nhưng học sinh không quan tâm. Nhiều giáo viên mỗi khi nói về chủ đề này lại “mặt đỏ tía tai”, những vấn đề mang tính khoa học lại được giải thích nôm na, như đó là một điều cần được nói nhỏ nhẹ và chỉ nên truyền tai nhau. Đã có những giáo viên lồng ghép tình yêu – giới tính vào bài học, nhưng có giáo viên hoàn toàn không quan tâm tới điều này vì họ cho rằng chương trình sách giáo khoa hoàn toàn không nhắc tới. Khi mà những cuốn sách hàng trăm trang vẫn tránh né vấn đề này, khi mà giáo viên vẫn cho rằng rồi các em tự tìm hiểu lấy thì hậu quả để lại ngày một nặng nề cho bản thân các em, gia đình và toàn xã hội.
Một số cuộc thi được nhiều trường trung học cơ sở và THPT tổ chức để các em tìm hiểu, nhưng khổ nỗi là chỉ những em học sinh ngoan của lớp, những em luôn dẫn đầu trong các phong trào tham gia, còn những em thiếu sự quan tâm gia đình hay yêu sớm trước tuổi thì nằm trong số đông còn lại. Một vài em lại chán ngán với những câu hỏi được mang về vì các em cho rằng hàn lâm và không thích. Cứ mãi theo vòng quay như vậy nên dường như chương trình đã được đề ra mà hậu quả thì cũng ngày một lớn.
Trong khi gia đình bối rối, nhà trường “lạc hậu” thì xã hội đã làm gì cho các em? Các em nhận gì được gì từ xã hội?
Đó là mạng Internet tràn lan, là các “thần tượng” thì thi nhau “cởi”, “hở”, “khoe khoang sự giàu có”, “sống thử”. Các báo thì thi nhau khai thác các vấn đề rẻ tiền, câu khách và hết sức vớ vẩn từ những “ngôi sao”, “người nổi tiếng” – chính là “thần tượng” của lứa tuổi teen này.
Như chúng ta đã biết, để hình thành nên nhân cách của một con người thì gia đình, nhà trường và xã hội chính là cái kiềng ba chân giúp các em đứng vững trong cuộc đời. Thế nhưng ba cái chân này đều “hỏng” thì các em biết đứng vào đâu. Không có ai giáo dục nhân cách cho các em thì các em sẽ chỉ có một con đường là sẽ “tự lớn như cây hoang, cỏ dại” thế thôi. Tỷ lệ nạo hút thai tuổi vị thành niên cao là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục từ gia đình, nhà trường đến xã hội yếu kém của chúng ta hàng chục năm qua.
Các em quan hệ tình dục trước tuổi thiếu niên hoàn toàn không biết mình đang vi phạm pháp luật. Trong số đó, nhiều em phải ngồi tù hết những năm tháng tuổi trẻ. Đau lòng hơn, không ít các em đang là sinh viên, đáng ra chính các em là một lực lượng để chung tay góp phần tuyên truyền và giáo dục vấn đề này thì các em lại làm điều ngược lại. Các em bị pháp luật quy là “thủ phạm”, nhưng thực chất các em cũng chỉ là “nạn nhân” của một nền giáo dục thiếu đi cái kiềng ba chân đó.
Thảo Lê