Trên thực tế hiện nay, vị thành niên (VTN) có khuynh hướng bước vào cuộc sống tình dục từ khi còn quá trẻ, trước khi hoàn toàn trưởng thành về mặt tâm sinh lý. Do vậy, vấn đề giáo dục giới tính cho lứa tuổi này là bức bách.
Ngày nay, do xã hội có nhiều đổi mới, nhiều phương tiện thông tin (tranh ảnh, sách báo, nhất là internet…) làm nhiễu loạn nhận thức của lứa tuổi VTN về tình dục.
Tâm sinh lý tuổi dậy thì
Với tuổi dậy thì, nhân dân ta xưa có câu “Nữ thập tam, nam thập lục” (gái 13, trai 16 tuổi). Nhưng, do ảnh hưởng nhiều yếu tố xã hội, nhìn chung tuổi dậy thì của VTN hiện nay sớm hơn thời trước và các em sống ở thành thị thường dậy thì sớm hơn các em ở nông thôn, miền núi. Tuổi dậy thì là thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn ấu thơ sang giai đoạn trưởng thành, là giai đoạn có sự thay đổi lớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong giai đoạn này trẻ có nhiều biến đổi quan trọng về cơ thể cũng như về tâm lý.
Về phát triển cơ thể: Với các em gái bộc lộ đầu tiên là ở vú, đồng thời với sự phát triển của đôi vú nở nang là sự phát triển xương chậu, xương đùi, các mô mỡ hình thành các đường cong duyên dáng thiếu nữ, buồng trứng bắt đầu hoạt động đánh dấu bằng hiện tượng kinh nguyệt… Với trẻ trai: “vỡ tiếng”, ria mép xuất hiện, tinh hoàn to ra và hoạt động để sinh ra chất nội tiết sinh dục nam và tinh trùng.
Về tâm lý: Với các em gái do tác động của nội tiết tố buồng trứng, đến tuổi dậy thì các trẻ gái bắt đầu chú ý đặc biệt đến thân thể, thích soi gương, thích ngắm vuốt làm đẹp, thích được bạn trai nhìn ngắm chiều chuộng, thích được mơn trớn vuốt ve, và dần dần sẽ có cảm giác hứng dục. Mặt khác, các em thường muốn được thừa nhận là người đã lớn, muốn thoát ly sự quản lý của bố mẹ, muốn tự khám phá, thích phiêu lưu mạo hiểm, nên rất dễ bị vấp ngã nếu không được hướng dẫn chỉ vẽ đến nơi đến chốn, mà điều đặc biệt đáng ngại là hiện tượng thai nghén do hành động dại dột. Với trẻ trai: Có tâm lý muốn tự khẳng định mình, muốn người ta công nhận mình là người lớn, bắt đầu có những xúc cảm khi gần nữ giới đã nghĩ đến chuyện yêu đương và dần dần phát triển lòng ham muốn tình dục. Tùy theo môi trường sống, tùy theo ảnh hưởng của giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội mà lứa tuổi này sẽ phát triển định hướng thái độ và cách cư xử trong quan hệ giới tính của mình.
Mặc dù ở lứa tuổi dậy thì đã có bước phát triển mạnh mẽ về thể chất, nhưng vẫn chưa thể coi là đã trưởng thành, vì cơ thể các em còn đang phát triển, vẫn tiếp tục lớn lên và nhận thức, ứng xử trong cuộc sống vẫn chưa hoàn thiện.
Có thai, một thảm họa
Mang thai ở lứa tuổi VTN thực sự là một thảm họa, là gánh nặng cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Trong điều tra quốc gia về VTN và thanh niên Việt Nam đã cho hay VTN/thanh niên nước ta đang có xu hướng quan hệ tình dục (QHTD) sớm mà lại rất thiếu kiến thức. Một cuộc khảo sát khác, ngày 12/12/2012 tại Hà Nội, đã công bố kết quả nghiên cứu trẻ VTN có thai ngoài ý muốn tại 3 cơ sở y tế TP.HCM là: BV.Phụ sản Hùng Vương, BV.Từ Dũ và Trung tâm Sức khỏe sinh sản TP.HCM (do GS.Nguyễn Duy Tài và cộng sự thực hiện) cho thấy một thực tế trẻ em nước ta hiện nay có QHTD rất sớm. Tuổi QHTD lần đầu của các em gái là 14 tuổi (sớm hơn nhiều so với điều tra quốc gia năm 2010 công bố là 18,1 tuổi). Đó là tính tuổi trung bình, chứ cá biệt có trường hợp QHTD lần đầu khi mới 10 tuổi, do dậy thì sớm từ năm 8 tuổi đã có kinh nguyệt và QHTD này là tự nguyện chứ không phải bị ép buộc. Còn hai trường hợp nữa cũng của khảo sát này, QHTD lần đầu khi mới 12 tuổi với bạn tình cũng chỉ 15, 16 tuổi. Hậu quả là tỉ lệ trẻ VTN chiếm 4% trong số các trường hợp có thai đến khám tại 3 cơ sở y tế nói trên.
Thoáng hơn, sớm hơn trong QHTD nhưng lại thiếu những kiến thức về tình dục và sức khỏe sinh sản nên nhiều trẻ VTN đã “dính bầu” trong âu lo hoảng hốt. Hậu quả, mỗi năm ở nước ta có khoảng 300 ngàn ca đình chỉ thai nghén ở độ tuổi từ 15 đến 19 tuổi. Với con số này, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á và xếp thứ 5 trên thế giới về tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ VTN. Nạo phá thai ở lứa tuổi này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, bởi cơ quan sinh dục chưa phát triển đầy đủ nên thường có biến chứng nhiều hơn. Thêm vào đó, là trẻ thường lo sợ người lớn biết nên đến những cơ sở tư nhân không có chức năng và không đủ điều kiện để thực hiện thủ thuật một cách an toàn. Hậu quả là tỷ lệ tai biến cao, thậm chí có một số trường hợp tử vong. Nếu thai to không thể phá thai, phải để sinh con thì các nguy cơ như sinh non, biến chứng lúc sinh và con chậm phát triển tâm thần cao hơn gấp nhiều lần so với phụ nữ trưởng thành. Đó là chưa tính đến những hệ lụy về mặt tâm lý và xã hội. Cuối năm 2012, dư luận bàng hoàng về chuyện một đứa trẻ bị mẹ vứt vào thùng rác (người mẹ là HTL 16 tuổi, quê Nghệ An) trong khu nhà trọ tại thị xã Dĩ An – Bình Dương, được người dân phát hiện và cứu sống. Những trường hợp khác: bỏ con ở vỉa hè, cổng chùa, bụi rậm… thậm chí thả xuống sông không phải là quá hiếm. Việc “trẻ con đẻ ra trẻ con” nếu “bà mẹ trẻ con” đó có nuôi con cũng chẳng biết xoay xở thế nào, khi bản thân cũng chỉ là những đứa trẻ, chưa lo tròn bổn phận làm con, nay lại phải gánh thêm trách nhiệm làm mẹ!
Giáo dục giới tính, việc bức bách
Thông qua các phương tiện truyền thông, có thể thấy số lượng trẻ VTN bị lạm dụng tình dục ở nước ta hiện nay là vấn đề báo động. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này gia tăng là do xã hội phát triển, trẻ em dậy thì sớm, lại dễ dàng liên lạc với bạn bè, truy cập các trang mạng để tìm hiểu thông tin, trong khi các em còn quá nhỏ để phân biệt được những thông tin đúng/sai, phù hợp hay chưa phù hợp, thậm chí thông tin kích dục. Mặt khác, sự thiếu quan tâm của bố mẹ, cũng đẩy các em ra ngoài gia đình và tìm kiếm bạn bè bên ngoài để chia sẻ, nên dễ vấp ngã. Rất nhiều trường hợp trẻ VTN mang thai vì thiếu nhữ ng kiến thức về sức khỏe sinh sản, thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân. Ở Việt Nam, độ tuổi 10-15 có khoảng 18 triệu người (theo con số của Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình), nếu không được đầu tư chăm sóc sức khỏe sinh sản, sẽ gây hậu quả khôn lường. Các em mang thai phải bỏ học, vào đời quá sớm và chịu nhiều áp lực về xã hội, tâm lý, thể chất…
Giáo dục giới tính, phải dạy cho các em những kiến thức, kỹ năng cụ thể như cách từ chối tình dục, cách giữ gìn thân thể, cách thoát hiểm… Tùy theo lứa tuổi mà có phương thức, nội dung phù hợp. Ở trường thì nên là những giờ như ngoại khóa, sinh hoạt chủ đề, phòng tư vấn và tùy nội dung có thể nam, nữ học riêng. Ở gia đình thì sự thủ thỉ tâm sự giữa mẹ với con gái, bố với con trai. Là những cuốn sách chuyên đề giới tính gối bên đầu giường con. Cũng phải dạy con cách tự vệ ngay từ nhỏ: khi người khác có cái nhìn khiếm nhã, có động tác đụng chạm; người lạ rủ đi chơi, dụ cho ăn uống, cho quà… Vấn đề mấu chốt là trang bị cho con gái lứa tuổi VTN kỹ năng sống và biết cách từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ bạn tình; những cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để giúp con tránh được những nguy cơ có thể đến với chúng.
Tuổi vị thành niên ở cả trai và gái đều là tuổi hoa, tuổi tươi đẹp và phát triển nhanh nhất trong cả đời người. Có nhiều sự phát triển mãnh liệt, bùng phát và đặc trưng. Đó là: hấp thu nhanh các kiến thức mới; Trẻ học ngoại ngữ và các môn học rất tốt; Ham thích nghệ thuật và âm nhạc; Ham thích bạn bè, ganh đua, thích được khen; Cơ thể có tốc độ lớn nhanh chóng trong đời sống con người, tốc độ lớn chỉ xếp thứ nhì sau thời kỳ phát triển của bào thai; Tốc độ phát triển chiều cao cũng rất nhanh trong thời kỳ 10-17 tuổi; Tiếng nói trở nên trầm hơn (vỡ tiếng- đối với con trai) hoặc thanh hơn đối với con gái…
Trẻ vị thành niên ngay từ sớm (10-15 tuổi) phần lớn đã dậy thì, nghĩa là chuyển từ thời kỳ không có sang thời kỳ có hoạt động tình dục và sinh sản. Điểm mốc của sự biến đổi này là có kinh nguyệt (con gái) và xuất tinh (mộng tinh ở con trai).
Thai nghén và sinh đẻ ở tuổi học trò gây nhiều tác động xã hội lớn: Tử vong mẹ và tử vong sơ sinh đều tăng; Không được gia đình và xã hội tha thứ, chấp nhận nên vị thành niên thường bỏ học, bỏ nhà, đi bụi…; Miễn cưỡng phải tham gia vào đội ngũ lao động hiệu suất thấp, thu nhập thấp làm cho đội quân nghèo đói xã hội tăng. Đội quân này đòi hỏi xã hội phải thường xuyên trợ giúp, bảo hiểm; Nam nữ trong đội ngũ này còn tiềm ẩn một gánh nặng khác cho xã hội là tội phạm, buôn lậu, ma túy, cờ bạc, trộm cắp và không có việc làm…
Vì vậy, việc giáo dục tình dục, tình yêu và sinh sản cho vị thành niên cần phải tiến hành ngay từ khi trẻ còn bé, chưa có hoạt động tình dục để không tạo ra tính tò mò làm thử các hành vi tình dục ở trẻ, giúp cho trẻ sau này sinh hoạt tình dục bằng sự hiểu biết, bằng trí tuệ của khoa học tình dục ngay từ lần đầu tiên.
BS. Vũ Hướng Văn
Theo Sức khỏe & Đời sống