GiadinhNet – Không ít những em gái vị thành niên dù đã qua tuổi dậy thì, nội tiết bình thường nhưng vẫn chưa thấy sự xuất hiện của “đèn đỏ” hoặc có em “đèn đỏ ghé thăm” một lần rồi… thôi! Đó là biểu hiện của chứng vô kinh, bế kinh rất hay gặp.
“Đèn đỏ” xuất hiện một lần rồi… thôi!
Có mặt trước cửa Phòng khám Sản (Bệnh viện 198, Hà Nội), em Nguyễn Thị T.H (học sinh lớp 10 tại Hà Nội) chia sẻ: Từ năm lớp 7 (13 tuổi) khi các bạn gái đã “thầm thì” chuyện “đèn đỏ” xuất hiện hàng tháng thì với em vẫn “bặt vô âm tín”. Tuy nhiên, từ năm lớp 9, mỗi tháng, bụng dưới của em lại quằn quại, đau đớn, có lần còn khiến em suýt ngất xỉu. Cơn đau kéo dài 3-4 ngày rồi lại đỡ nhưng em vẫn không thấy “đèn đỏ” ghé thăm suốt từ 1 năm nay, dù mọi vấn đề nội tiết và các biểu hiện dậy thì của em đều “đầy đủ”.
Theo BS Từ Thị Thu Thủy (Khoa Sản, Bệnh viện 198), những trường hợp bị rối loạn kinh nguyệt tuổi vị thành niên như T.H đến khám ở khoa rất đông. Trường hợp như của em T.H là bị bế kinh. Đây là triệu chứng bất thường về kinh nguyệt, rất hay gặp ở lứa tuổi này.
BS Thu Thủy nhắc lại một trường hợp khó quên, đó là sinh viên một trường đại học khu vực quận Cầu Giấy. Bệnh nhân đến khám trong tình trạng da xanh xao, mệt mỏi, rất hoang mang, bụng “lùm lùm”, khi ai nhìn cũng tưởng mang bầu dù chưa một lần quan hệ tình dục. Sau khi tiến hành siêu âm, kiểm tra cổ tử cung, buồng trứng, các bác sĩ khẳng định bệnh nhân không có thai. Do màng trinh bệnh nhân không có vách lỗ nhỏ tự nhiên để kinh nguyệt khi đến tháng thoát ra ngoài, nên lượng kinh nguyệt này dồn đọng ứ lại trong tử cung thành một khối huyết đen, cứng, khiến bụng em “lùm lùm” như mọi người trông thấy.
Nguyên nhân của vô kinh, bế kinh do đâu?
Theo các chuyên gia sản khoa từ Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), vô kinh là trường hợp sau 18 tuổi chưa hoặc không có kinh. Vô kinh tuổi dậy thì có nguyên nhân do rối loạn nội tiết của trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng và bất thường về phát triển của bộ phận sinh dục.
Tuổi vị thành niên gồm hai loại là vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát. Vô kinh nguyên phát là hiện tượng các em gái vị thành niên có ngoại hình bình thường nhưng quá 16 tuổi mà chưa có kinh hoặc không có kinh trong vòng 4 năm kể từ khi có các đặc tính giới thứ phát hoặc chậm hơn 1 năm so với tuổi có kinh lần đầu của người mẹ. Còn vô kinh thứ phát là hiện tượng sau khi có kinh nguyệt đều đặn một thời gian rồi bỗng thấy mất kinh khoảng 4 tháng hoặc có tiền sử kinh ít rồi mất kinh từ 4-6 tháng. Vô kinh thứ phát tuổi vị thành niên do nhiều nguyên nhân, nhưng 2 nguyên nhân thường gặp nhất là có thai và stress. Những phụ nữ trẻ rất hay bị rối loạn kinh nguyệt khi bị sốt, có những sang chấn về cảm xúc, sút cân hay vận động quá nhiều (thi đấu thể thao).
Nguyên nhân gây bệnh vô kinh có thể là do rối loạn nội tiết của trục dưới đồi tuyến yên và buồng trứng với biểu hiện là vú bé, không có lông mu hay lông nách, âm hộ nhỏ; hoặc do rối loạn nhiễm sắc thể giới tính. Một nguyên nhân quan trọng khác là sự bất thường ở bộ phận sinh dục (cơ quan này không phát triển một phần hoặc hoàn toàn). Nếu cơ quan sinh dục không phát triển hoàn toàn (không có tử cung hoặc buồng trứng), bệnh nhân sẽ thực sự bị vô kinh. Nếu cơ quan này không phát triển một phần, bệnh nhân vẫn có hành kinh nhưng huyết dịch bị ứ lại, không chảy ra ngoài được, gọi là bế kinh. Bế kinh có thể do màng trinh không thủng như trường hợp của hai bệnh nhân trên đây. Chỉ cần rạch thủng màng trinh thì huyết kinh sẽ thoát ra ngoài.
Ngoài ra, theo BS Thu Thủy, bế kinh còn có thể do khiếm khuyết ở âm đạo. Đó là do âm đạo có vách ngăn ngang hoặc không phát triển ở đoạn dưới nên huyết kinh không chảy ra ngoài được. Cách điều trị là cắt vách ngăn hoặc mổ tạo hình phần âm đạo không phát triển. Ngoài ra, bế kinh có thể do không có âm đạo. Đấy là do hệ thống sinh dục chỉ có tử cung và buồng trứng mà không có âm đạo nên huyết kinh bị đọng lại trong tử cung và tràn lên vòi tử cung. Những trường hợp này khó điều trị, phải phẫu thuật tạo hình âm đạo.
Theo các chuyên gia sản khoa, để phòng tránh những bất thường kinh nguyệt tuổi vị thành niên, khi thấy các em gái từ 13-16 tuổi chưa có hành kinh hoặc đau bụng hàng tháng có tính chất chu kỳ mà không có hành kinh hoặc không có bất kỳ một băn khoăn nào, bố mẹ và người thân cần đưa các em đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn.
Các triệu chứng bế kinh:
Đến tuổi dậy thì, bệnh nhân bị đau bụng vùng dưới đều đặn hàng tháng, mỗi lần 3-4 ngày, sau đó trở lại bình thường. Những lần sau, đau tăng hơn lần trước. Qua 5-6 lần như vậy sẽ thấy một khối ở trên xương mu, bệnh nhân đau đớn quằn quại. Nếu bế kinh do màng trinh không thủng, bệnh nhân thấy nặng, căng tức ở âm hộ. Huyết kinh không thoát ra được sẽ làm căng phồng tử cung rồi tràn lên vòi trứng, gây căng giãn. Lâu ngày, niêm mạc ở 2 cơ quan này bị phá hủy, vòi trứng có thể vỡ ra do căng giãn quá mức, khiến bệnh nhân không thể có thai. Ngoài ra, sự ứ đọng huyết kinh còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm tử cung, vòi trứng; sau đó vỡ ra gây viêm ổ bụng.
Theo BS Từ Thị Thu Thủy (Khoa Sản, Bệnh viện 198)