Hiện nay, phần lớn thanh niên khi lập gia đình đã xác định phải biết “kế hoạch”, chỉ sinh từ một đến hai con để nuôi dạy cho tốt.
Nhiều gia đình trẻ biết “kế hoạch”
Vợ chồng anh Nguyễn Xuân Chiến ở xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) lập gia đình từ năm 2007, đến nay đã sinh được một con trai hơn hai tuổi. Nhìn đứa con kháu khỉnh đang nghịch đồ chơi, anh Chiến tâm sự: “Vợ chồng tôi cưới nhau xong cũng không có nhiều vốn liếng để làm ăn nên gặp không ít khó khăn. Khi sinh được một đứa con thì các khoản chi tiêu cũng nhiều hơn. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định khi nào đời sống kinh tế khá giả hơn bây giờ thì mới sinh thêm con để có điều kiện chăm sóc con thật tốt”.
Ảnh minh họa
Còn vợ chồng anh Phạm Khánh Quân ở tổ dân phố 3 (phường Nghĩa Đức, Gia Nghĩa) thì mặc dù điều kiện kinh tế gia đình khá giả, nhưng vẫn kiên quyết dừng lại ở hai con. Anh Quân cho biết: “Vì nhà ít anh em nên mẹ tôi muốn vợ chồng tôi sinh thêm con để có nhiều cháu chắt cho “vui cửa vui nhà”. Thế nhưng, gia đình đã “có nếp, có tẻ” như nhiều nhà vẫn mong ước nên vợ chồng tôi đã quyết định dừng lại để có thời gian làm kinh tế cũng như giảm bớt phần vất vả”.
Tương tự, vợ chồng chị Trần Thị Quyên ở tổ dân phố 5 (thị trấn Đắk Mil) cũng khẳng định chỉ cần sinh từ một đến hai con là đủ. Chị Quyên tâm sự: “Tôi đã chứng kiến nhiều gia đình vì đông con mà kinh tế khó khăn, vợ chồng thường xuyên lục đục, con cái thì không được đến trường, trông rất tội. Chính vì vậy, ngay từ trước khi lập gia đình, chúng tôi đã bàn với nhau là chỉ sinh từ một đến hai đứa con thôi để có điều kiện làm kinh tế cũng như chăm lo cho con cái được đầy đủ, học hành đến nơi, đến chốn”.
Vùng sâu, xa cũng “kế hoạch”
Không chỉ ở các vùng trung tâm thị xã, thị trấn mà ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã có nhiều cặp vợ chồng trẻ biết thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chỉ sinh ít con. Điển hình như vợ chồng anh Y Sơn ở buôn Buôr (xã Tâm Thắng, Chư Jút), sinh được hai đứa con trai thì đã quyết định không tiếp tục sinh nữa. Nhờ sinh ít con hơn những hộ khác nên đời sống kinh tế của gia đình anh được xếp vào loại khá của buôn.
Anh Y Sơn cho biết: “Bố mẹ tôi sinh nhiều con nên làm bao nhiêu cũng không đủ ăn, anh em tôi cũng không ai được đi học đến nơi, đến chốn. Chính vì vậy, không theo “vết xe đổ” của bố mẹ, sau khi sinh được hai đứa con, nghe lời hướng dẫn của cán bộ dân số, vợ chồng tôi đã thực hiện kế hoạch hóa gia đình ngay, không để sinh nhiều con làm khổ gia đình, khổ con cái nữa”.
Có thể nói, với việc tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú của ngành dân số và các tổ chức đoàn thể, giới trẻ trong tỉnh đã ngày càng hiểu được tầm quan trọng của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình khi bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình.
Thông qua nhiều câu lạc bộ dành cho thanh, thiếu niên được thành lập ngày càng nhiều ở các địa phương như: câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, câu lạc bộ không sinh con thứ ba, câu lạc bộ hôn nhân gia đình…đã giúp giới trẻ tìm hiểu cũng như giải tỏa những thắc mắc về các biện pháp tránh thai, cách chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp…
Vì vậy, để giới trẻ ngày càng nâng cao nhận thức về chuyện sinh sản, thực hiện kế hoạch hóa gia đình thì các địa phương, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần tiếp tục đa dạng hơn nữa các hình thức tuyên truyền, vận động.
Đặc biệt, việc thu hút các thanh, thiếu niên trở thành các “cộng tác viên” dân số ở các thôn, buôn cũng là một trong những cách giúp bạn trẻ có ý thức hơn về vấn đề dân số cũng như hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội trong việc nâng cao chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống.
theo báo Đắk Nông