Chị Lò Thị Xuân (dân tộc Dao) cùng chồng có mặt sớm tại đây sau gần 3 tiếng đồng hồ đi xe máy vượt hàng chục kilômét từ thôn Nậm Kiểm, xã Nậm Bún, huyện Văn Chấn. Như nhiều người khác, vợ chồng chị Xuân cũng mang theo nồi niêu, gạo củi, chăn chiếu để yên tâm ở lại đây… Hôm nay, vợ chồng chị là một trong 30 cặp được thực hiện đình sản của huyện Văn Chấn.
Niềm vui nơi bản nhỏ
Chị Xuân năm nay 30 tuổi nhưng đã có tới 4 đứa con. Cháu lớn nhất 11 tuổi, còn cháu bé nhất mới được 21 tháng. Giải thích cho điều này, chị Xuân cho hay: Chị bị “nhỡ, thương con nên không muốn bỏ”. Khi được hỏi “Sinh 4 cháu, chị có thấy sức khỏe của mình giảm đi nhiều không?”, chị buồn bã đầu gật đầu. Đều chằn chặn sau sinh 1 tháng, chị đã phải nai lưng đi làm nương, nhổ sắn thuê hay vào rừng kiếm củi về bán. Chồng chị cũng phải đi làm thuê trả nợ số tiền mấy năm trước vay mượn đưa con đi viện chữa bệnh.
Sau khi sinh cháu thứ 4, thấm thía sự vất vả nhọc nhằn, được các cán bộ dân số cơ sở kiên trì vận động, chồng chị Xuân đã đồng ý cho vợ đi đình sản. Nhưng vì nhà quá xa, con còn quá bé nên chị chưa thể thực hiện được. Hôm nay, hai vợ chồng chị rất vui mừng vì đã thu xếp xong, cùng nhau đi đình sản để yên tâm làm kinh tế nuôi các con và nhất là giữ gìn sức khỏe.
Cùng đợt triệt sản này với chị Xuân còn có thêm gần 30 chị, phần lớn từ độ tuổi từ 25- 40, riêng xã Nậm Lành có tới 3 người. Cô Triệu Thị Sính – cộng tác viên dân số thôn Nậm Cài, xã Nậm Lành – người trực tiếp vận động các chị đến triệt sản không giấu được sự vui mừng: “Có những ca phải vận động mất mấy tháng trời, gia đình phản đối vì theo họ thế là “cấm đẻ”. Nhưng cuối cùng, khi đã “sáng cái đầu”, họ đã đồng ý cho con mình, vợ mình đi triệt sản”.
Gặp chúng tôi, anh Bàn Kim Từ, chị Triệu Thị Vượng (bản Nậm Tộc, xã Nậm Lành) cho biết: Anh chị đã có 2 con, nhưng chỉ muốn dừng lại ở đó. “Ở bản mình nhiều người sinh con thứ 3, thứ 4, khổ lắm! Vợ uống thuốc thì lúc nhớ lúc quên, chồng do làm việc nặng nhiều nên ít dùng biện pháp nào. Thôi thì triệt sản là yên tâm nhất!” – anh Từ chia sẻ.
Đây cũng là tâm lý chung của các cặp vợ chồng tại các xã vùng cao huyện Văn Chấn. Chị Hà Thị Mộng Hoài – Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Văn Chấn cho hay: Văn Chấn có 18 xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Nhưng tùy vào điều kiện, tập tục sống mà mỗi nơi có nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai khác nhau. Nếu bà con vùng thấp thích các biện pháp tạm thời (bao cao su, thuốc tránh thai) thì người dân vùng cao lại an tâm hơn nhờ các biện pháp lâu dài và vĩnh viễn (đặt vòng, triệt sản, đình sản…).
Cũng theo chị Hoài, khoảng 5 năm về đây, nhận thức của bà con về KHHGĐ so với giai đoạn trước cao hơn nhiều. Tỷ lệ chấp nhận các BPTT của toàn huyện khoảng 65%, nhưng vùng cao thì thấp hơn (khoảng 40- 45%).
Thay đổi nhận thức cho người dân vùng cao
Mỗi năm, Yên Bái tổ chức 2 đợt Chiến dịch về tận xã, tuy nhiên một số chỉ tiêu chưa “vét” hết được. Hơn nữa, khoảng cách giữa hai đợt chiến dịch khá xa, do đó, khả năng bà con “nhỡ kế hoạch” vẫn có thể xảy ra. Ở vùng cao, điều kiện đường sá lên tuyến trên khó khăn, việc tiếp cận và đáp ứng dịch vụ KHHGĐ tại trạm y tế xã ít nhiều còn hạn chế, chỉ mới đáp ứng được nhu cầu về bao cao su, thuốc tránh thai.
Chính vì thế, theo chị Hoài, cùng với 2 đợt Chiến dịch cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, bà con Văn Chấn được thêm 2-3 đợt mỗi năm nhờ chương trình hỗ trợ triệt sản nữ và đặt vòng của tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam. Điều này cũng góp phần vào kết quả đánh giá cuối năm ngành Dân số toàn huyện. “Điều quan trọng là nhận thức của bà con được nâng lên rõ rệt. Như hôm nay, tất cả các chị em đều được các anh chồng đưa đến nơi cung cấp dịch vụ” – chị Hoài phấn khởi chia sẻ.
“Bà con vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn rất muốn sử dụng các biện pháp tránh thai, tuy nhiên, họ vẫn thất bại một phần vì nhiều lý do khách quan. Các biện pháp tránh thai tạm thời, phi lâm sàng đòi hỏi phải sử dụng đúng cách, đúng lúc mới thành công được. Do đó, khi dùng sai, hoặc không dùng, hậu quả mà họ nhận được là có thai ngoài ý muốn. Nếu họ muốn đến các cơ sở uy tín thì đường sá lại quá xa xôi, khó khăn” – BS.Nguyễn Đức Anh, Giám đốc phụ trách chất lượng lâm sàng của Marie Stopes International tại Việt Nam cho hay.
Yên Bái là một trong 33 tỉnh, thành trong cả nước được Marie Stopes International tại Việt Nam triển khai chương trình mổ triệt sản nữ và đặt vòng. Chương trình được áp dụng tại tỉnh miền núi nghèo này từ năm 2009. Bác sĩ Đức Anh cho biết: “Chúng tôi áp dụng phương pháp mổ triệt sản nữ mới. Ưu điểm của phương pháp này là không sử dụng các thuốc gây tiền mê hoặc gây mê, chỉ sử dụng gây tê tại chỗ. Tổng thời gian kỹ thuật cho một ca là 8-15 phút. Sau khi mổ xong, bà con có thể ăn uống, đi lại và về nhà chỉ sau đó vài tiếng. Bản thân khách hàng sau thủ thuật cũng không cần thay băng hay chăm sóc y tế nhiều. Một khác biệt nữa của phương pháp này là “giảm đau bằng lời”. Chúng tôi liên tục có người trò chuyện để giúp khách hàng “quên đau tạm thời” trong quá trình mổ”.
Theo BS. Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Marie Stopes tại Nghệ An – người cùng chuyến đi tại Yên Bái: trừ những người bị u xơ tử cung cần phải mổ hay sẹo mổ cũ ở bụng, hoặc những người chống chỉ định, phải gây mê thì cần đi lên tuyến trên. Hầu hết các khách hàng khỏe mạnh đều có thể sử dụng dịch vụ mổ triệt sản nữ. Ngoài ra, mỗi người trước và sau khi nhận dịch vụ đều được chuyên gia tư vấn về chăm sóc bản thân. “Chúng tôi cũng có bản hướng dẫn theo dõi sau khi nhận dịch vụ. Nếu có vấn đề gì có địa chỉ, liên lạc để nhận được hỗ trợ” – BS.Nam nói.
theo giadinh.net.vn