Việt Nam đứng trước nguy cơ mất cân bằng giới tính trầm trọng. Theo dự đoán, đến năm 2020 số lượng nam sẽ nhiều hơn nữ từ 2,3 đến 4,3 triệu người. Điều này sẽ dẫn đến hàng triệu nam giới có thể không lấy được vợ và rất nhiều những hệ lụy khác như phá vỡ cấu trúc gia đình, tình trạng mại dâm, buôn bán phụ nữ, bạo lực giới…
Nguy cơ về hàng loạt vấn đề xã hội phát sinh từ sự chênh lệch giới tính một lần nữa được cảnh báo tại cuộc Hội thảo quốc tế về mất cân bằng giới tính khi sinh với chủ đề “Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai” do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc phối hợp tổ chức trong hai ngày 5-6/10. Hội thảo có sự tham gia của 11 nước có sự tương đồng về tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh như: Trung Quốc, Ấn Độ, Albania, Nepal, Armenia, Azerbaijan, Pakistan, Bangladesh…
Do tâm lý thích con trai cùng khả năng tiếp cận với các kỹ thuật và công nghệ mới có khả năng lựa chọn giới tính ngày càng dễ dàng đã khiến các nước tham dự hội thảo phải đối mặt với nhiều thách thức bởi sự mất cân bằng trong cấu trúc dân số. Tính từ thời điểm thập kỷ 80 của thế kỷ trước, vấn đề này đã nảy sinh ở các nước Hàn Quốc, Trung Quốc… và hiện nay có mặt ở nhiều nước trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tại cuộc hội thảo, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh. Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh này nghiêm trọng nhất ở nhóm kinh tế khá giả.
Tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng
Trong khi ở nhóm nghèo nhất (chiếm khoảng 20% dân số) tỷ số giới tính khi sinh ở mức bình thường là 105,2 trẻ trai/100 trẻ gái thì ở nhóm trung bình, nhóm giàu và nhóm giàu nhất tình trạng chênh lệch giới rất nặng nề. Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh ở nhóm giàu nhất là 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái. Còn ở nhóm giàu nhất, tỉ lệ này lên tới 111,7 trẻ trai/100 trẻ gái. Ở lần sinh thứ 3, mất cân bằng giới ở nhóm giàu nhất lên đến 132,9 trẻ trai/100 trẻ gái.
Lý giải cho điều này ông Tân cho biết, hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ nhưng nguyên nhân của tình trạng trên có thể là những người giàu có điều kiện hơn để tiếp cận với công nghệ lựa chọn giới tính khi sinh. Áp lực có con trai nối dõi tông đường, thừa kế tài sản cũng cao hơn vì tài sản thường để lại cho con trai. Một nguyên nhân nữa là nhóm dân số có điều kiện kinh tế khá giả, học vấn cao thường sinh ít con. Điều này mâu thuẫn với khao khát có con trai nên động lực lựa chọn giới tính thai nhi ở đối tượng này cao hơn.
Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, tỷ số giới tính khi sinh nằm trong khoảng 104-106 bé trai trên 100 bé gái. Tuy nhiên, tỷ số này đã gia tăng nhanh chóng trong 25 năm qua tại một số quốc gia châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện nay, toàn châu Á đang thiếu hụt tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh. Mặc dù Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên phải đối mặt với tình trạng này, song thực tế cho thấy thách thức này rất lớn khi tỷ số giới tính khi sinh ngày càng gia tăng.
Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, nếu không có giải pháp can thiệp hiệu quả hơn để nhanh chóng đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức bình thường thì trong khoảng 15 – 20 năm nữa, sẽ có khoảng 2,3 – 4,3 triệu nam giới Việt Nam không có khả năng lấy được vợ là người Việt Nam. Hệ lụy của vấn đề này rất khó lường, mà trực tiếp là phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng thêm tình trạng bạo lực giới và tình trạng mãi dâm, buôn bán phụ nữ.