Cho tôi hỏi bị đau bụng kinh dữ dội buồn nôn có phải do mắc bệnh không? Nếu bị mắc bệnh thì do mắc bệnh gì và có cách nào chữa trị? Tôi xin cảm ơn.
(Nguyễn Mai Trang, Thái Bình)
Trả lời
Chào chị Mai Trang,
Lời đầu thư, kienthucsinhsan.vn xin cảm ơn chị đã dành thời gian gửi câu hỏi tới chương trình. Với thắc mắc "bị đau bụng kinh dữ dội buồn nôn là mắc bệnh gì? Và có cách nào khắc phục chứng đau bụng kinh dữ dội không?" của chị, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Làm sao để biết bị đau bụng kinh dữ dội hay đau bụng kinh thường?
Đau bụng kinh thường là những cơn đau ở vùng bụng dưới. Nó xuất hiện ngay ngày đầu chu kỳ kinh và có xu hướng giảm đau dần trong những ngày sau đó (sau khoảng 2 - 3 ngày).
Tuy nhiên, trên thực tế mỗi chị em có mức độ đau bụng kinh khác nhau, có người bị đau nhiều, cơn đau kéo dài nhưng cũng có những người chỉ bị đau nhẹ trong thời gian ngắn hoặc không bị đau bụng khi đến tháng.
Theo cách nhìn tương đối, để phân biệt đau bụng kinh dữ dội và đau bụng kinh thông thường có thể dựa vào 2 yếu tố:
- Khả năng chịu đau
- Thời điểm + thời gian của cơn đau bụng kinh.
Khả năng chịu đau của chị em:
Đau bụng kinh dữ dội có mức độ đau nhiều quá sức chịu đựng của các chị em. Từ đó có thể gây ra các tình trạng bất thường như:
- Buồn nôn
- Ngất xỉu
- Mất ngủ
- Bị tiêu chảy
- Đau khi quan hệ...
Ngược với đau bụng kinh dữ dội, đau bụng kinh thường chỉ gây các cơn đau nhẹ, vừa mà chị em có thể chịu đựng, chấp nhận "sống chung" với nó hàng tháng được.
Thời điểm xuất hiện và thời gian đau bụng kinh:
Đau bụng kinh dữ dội:
- Thời điểm xuất hiện sớm, các chị em thường bị đau bụng trước kỳ kinh vài ngày.
- Thời gian đau bụng kinh kéo dài, có thể bị đau bụng từ trước khi đến kỳ kinh và kéo dài cơn đau sau khi sạch kinh vài ngày.
- Mức độ đau bụng kinh thất thường, có thể bị đau âm ỉ thời điểm trước + sau kỳ kinh; đau bụng dữ dội trong kỳ kinh.
Đau bụng kinh thông thường:
- Thời điểm đau bụng thường xuất hiện sớm - muộn vài giờ. Thường đau ngay trong ngày kinh đầu tiên.
- Thời gian đau bụng không kéo dài (thường đau nhiều nhất trong 3 ngày đầu) và có xu hướng giảm sự đau ở những ngày cuối kỳ kinh.
Chi tiết: Dấu hiệu đau bụng kinh dữ dội và bình thường
Đau bụng kinh dữ dội buồn nôn là bệnh gì?
Thực tế cho thấy, có nhiều chị em bị đau bụng kinh dữ dội nhưng khi đến thăm khám phụ khoa không phát hiện ra bệnh lý hoặc các bất thường nào. Người ta cho rằng những trường hợp đau bụng kinh này một phần do lớp cơ tử cung co thắt quá mức khi tống máu kinh ra ngoài làm gây ra cơn đau, một phần do yếu tố cơ địa.
Nhưng bên cạnh đó, có nhiều trường hợp khi thăm khám đau bụng kinh dữ dội đã phát hiện ra những bệnh lý thực thể hoặc bệnh lý vùng chậu như:
- Bệnh lạc nội mạc tử cung
- Bệnh lạc tuyến nội mạc tử cung
- Bệnh u xơ tử cung
- Các bệnh do viêm vùng chậu (PID)
- Do đặt dụng cụ tránh thai...
Bệnh lạc nội mạc tử cung
Đây là căn bệnh xảy ra khi các mô có vị trí phát triển bên trong tử cung nhưng lại phát triển “lệch lạc” ra bên ngoài tử cung (thường lạc ra ống dẫn trứng, buồng trứng…).
Lạc nội mạc tử cung gây tỉ lệ vô sinh đến gần 50% do làm tổn thương vòi trứng và ống dẫn trứng, dẫn đến cản trở nhu động ống dẫn trứng và làm rối loạn sự phóng noãn.
Hiện tại, giới Y khoa vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây căn bệnh này. Người ta cho rằng yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh lạc tuyến nội mạc tử cung
Gần giống với lạc nội mạc tử cung, bệnh lạc tuyến nội mạc tử cung là sự phát triển “lạc chỗ” của các tế bào thuộc lớp nội mạc tử cung với lớp cơ tử cung.
Bệnh u xơ tử cung
U xơ tử cung (hay còn gọi là nhân xơ tử cung) là một khối u lành tính do các tế bào cơ mềm và các mô tạo nên. Khối u xơ tử cung có thể có kích thước từ 0,1cm đến > 20cm tùy theo thời gian và giai đoạn phát triển. Chúng thường phát triển trong thành tử cung hoặc bên ngoài bề mặt tử cung.
Ở giai đoạn nặng, khối u xơ tử cung phát triển với kích thước lớn gây chèn ép lên tử cung và bàng quang, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: khiến tỉ lệ thụ thai thấp, phụ nữ khó thụ thai hoặc có thể gây vô sinh, làm ảnh hưởng đến thai nhi nếu đang mang bầu; dễ bị băng huyết trong quá trình sinh nở...
Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Bệnh viêm vùng chậu (PID - Pelvic Inflammatory Disease) là một dạng viêm cơ quan sinh sản ở nữ giới.Nói theo một cách khác, viêm vùng chậu chính là 1 căn bệnh phụ khoa xuất hiện do bị viêm, nhiễm trùng ở một trong các vị trí: tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng ở nữ giới.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh PID như: do biến chứng của các bệnh lây qua đường tình dục (STD) như lậu, giang mai, chlamydia... hoặc do các dạng viêm nhiễm do vi khuẩn xâm nhập (không phải STD).
PID thể nặng có thể gây biến chứng như: phụ nữ khó mang thai, mang thai ngoài tử cung, áp xe buồng trứng hoặc ống dẫn trứng, vô sinh.
Chữa trị đau bụng kinh dữ dội như thế nào?
Để việc chữa trị hiệu quả, bệnh cải thiện nhanh cũng như diệt trừ tận gốc bệnh, trước tiên ta cần đi tìm nguyên nhân chính gây đau bụng kinh dữ dội. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Chữa trị đau bụng kinh dữ dội do bệnh lý
Tùy thuộc vào từng loại bệnh lý gây đau bụng kinh dữ dội mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có hướng điều trị khác nhau để phù hợp với tình hình của bệnh nhân.
1. Điều trị nội khoa
Dùng thuốc điều trị nội khoa là cách điều trị tại chỗ từ bên trong, từ đó giúp làm giảm và cải thiện tình trạng bệnh như:
- Làm ức chế sự phát triển và làm teo bớt khối u xơ tử cung.
- Điều trị và làm lành các vùng viêm nhiễm (ở bệnh viêm vùng chậu.
- Dùng các loại thuốc nội tiết tố giúp làm giảm nguy cơ lạc nội mạc tử cung đồng thời giúp làm tăng khả năng mang thai (ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung và lạc tuyến nội mạc tử cung).
- Làm giảm tình trạng đau bụng kinh dữ dội cũng như các triệu chứng đi kèm.
- Các loại thuốc uống điều trị nội khoa cần được bác sĩ kê đơn sau khi thăm khám và chẩn đoán bệnh để đảm bảo sự an toàn.
2. Phẫu thuật
Đây là phương pháp điều trị thường được áp dụng khi tình trạng bệnh lý ở mức độ nặng, các loại thuốc điều trị nội khoa không có tác dụng (hoặc chỉ có tác rất ít).
- Phẫu thuật cắt bỏ phần nội mạc tử cung bị "lạc".
- Phẫu thuật mổ bóc khối u xơ tử cung chọn lọc hoặc cắt bỏ hoàn toàn tử cung (đối với trường hợp bệnh nhân u xơ tử cung không còn mong muốn sinh con hoặc khối u xơ quá lớn).
Cách giảm đau bụng kinh dữ dội không do bệnh lý
Dùng thuốc giảm đau bụng kinh có lẽ là phương pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất đối với chị em bị đau bụng kinh dữ dội buồn nôn nhưng không phải bệnh lý. Một số loại thuốc có tác dụng giảm đau bụng kinh như:
- Acid Mefenamic (Ponstan®)
- Acetaminophen (Tylenol®)
- Ibuprofen (Advil®, Motrin IB®)
- Natri naproxen sodium (Aleve®)
- Alverine citrate (Alverin, Alverin citrat, Dipropylin)
- Dydrogesterone (Duphaston®)
- Paracetamol (Panadol, Hapacol…)
- Thuốc tránh thai...
Tìm hiểu thêm: Thuốc chữa trị đau bụng kinh khi đến tháng
Bên cạnh dùng thuốc giảm đau, có thể kết hợp thêm các cách giảm đau tại chỗ như: chườm nóng, massage bụng, thiền định, tập yoga...
Với câu hỏi "bị đau bụng kinh dữ dội buồn nôn là mắc bệnh gì? Và có cách nào khắc phục chứng đau bụng kinh dữ dội không?" của chị Mai Trang, chúng tôi xin được giải đáp như trên. Hi vọng gửi đến chị những thông tin hữu ích.
Chúc chị thật nhiều sức khỏe, bình an và hạnh phúc!