Trong “Pháp lệnh Dân số, vấn đề nạo phá thai được các nhà hoạch định chính sách chiến lược dân số đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thắc mắc chưa có lời giải xung quanh nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai ngày càng phổ biến ở những phụ nữ trong và ngoài hôn nhân. Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 triệu ca nạo phá thai, trong đó có khoảng 200.000 ca ở tuổi vị thành niên.
Nạo phá thai không phải là một biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, hiện nay tại các quốc gia nghèo trên thế giới tỷ lệ nạo phá thai của phụ nữ lớn, nhưng ít có những công trình nghiên cứu tìm hiểu lý do tại sao phụ nữ lại chấp nhận phá thai. Người ta phân loại những phụ nữ đã từng nạo phá thai thành các nhóm để nghiên cứu như: Đặc tính cá nhân; hoàn cảnh kinh tế; hoàn cảnh xã hội; môi trường sống; hành vi tình dục và phương pháp tránh thai…
Các khảo sát cho thấy tỷ lệ thanh thiếu niên mang thai do không dùng biện pháp tránh thai đang tăng. Đặc biệt nam giới ở hầu hết các nhóm tuổi đều không thích sử dụng bao cao su. Còn ở phụ nữ, học vấn càng thấp càng ít sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Nhóm phụ nữ chưa có con tỷ lệ tránh thai thấp hơn những phụ nữ đã có con. Đồng thời ở các cặp quan hệ tình dục thường xuyên thì tỷ lệ không tránh thai cao. Đặc biệt những đối tượng nam và nữ không thỏa mãn về tình dục thường rơi vào nhóm hoạt động tình dục không an toàn và dễ có thai ngoài ý muốn.
Tình trạng nạo phá thai hiện nay diễn ra khá phổ biến ở tất cả các nước trên thế giới, thậm chí nhiều quốc gia đã ban hành những điều luật nhằm hạn chế, ngăn cản hành vi nạo phá thai, xem đó như một hành động “phi đạo đức”, hoặc cao hơn là “tội giết người”. Tuy vậy, tại những quốc gia này cũng có nhiều phụ nữ đấu tranh đòi quyền được “nạo phá thai”.
Mặt khác những vấn đề liên quan đến phá thai như luật pháp, lương tâm, đạo đức đã làm cho những nghiên cứu về hành vi nạo phá thai khó thực hiện. Theo các nhà nghiên cứu, việc tìm hiểu những thông tin đầy đủ về lý do nạo phá thai thực sự rất khó khăn. Rất ít phụ nữ trả lời một cách rõ ràng về quyết định phá thai của mình. Tất nhiên để biện minh cho hành vi nạo phá thai nhiều phụ nữ đã nói rằng họ bị mang thai ngoài ý muốn. Trong thực tế nhiều phụ nữ đi đến quyết định phá bỏ thai nhi đã trải qua quá trình tâm lý phức tạp.
Hiện nay ở nhiều bệnh viện phụ sản, hoặc khoa sản tại các vùng đô thị của Việt Nam hàng ngày có nhiều trường hợp nạo hút thai do có thai ngoài ý muốn. Tại Bệnh viện Từ Dũ có thời kỳ ước tính bình quân có trên 40.000 ca nạo phá thai/năm. Năm 1999, Tổ chức y tế thế giới WHO đã cảnh báo và xếp Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Số liệu thống kê của UNFPA cho thấy tỷ lệ phụ nữ mang thai ngoài ý muốn khá cao ở cả những nước phát triển và nước nghèo. Theo số liệu của tổ chức Quỹ Dân số Liên hiệp quốc năm 2009, tại Hoa Kỳ và Đông Âu hằng năm có khoảng từ 1/2 đến 3/5 phụ nữ có thai ngoài ý muốn và được can thiệp bằng nạo phá thai.
Có thai ngoài ý muốn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hành vi phá thai. Khoảng 50% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có chồng muốn hoãn sinh hoặc ngừng sinh. Nhiều nơi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mặc dù nhiều phụ nữ muốn hoãn sinh hoặc ngừng sinh nhưng phần lớn lại e ngại sử dụng một biện pháp tránh thai nào đó. Có nhiều lý do trả lời tại sao phụ nữ muốn tránh thai nhưng lại không sử dụng biện pháp tránh thai. Chẳng hạn: Mâu thuẫn tâm lý về thai nghén; thiếu kiến thức về các biện pháp tránh thai; bản thân hoặc gia đình phản đối; khó tiếp cận với các dịch vụ tránh thai hiện đại; Sợ tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân…
Ngoài ra còn có những phụ nữ trẻ chủ quan cho rằng mình khó có thể có thai khi quan hệ tình dục lần đầu. Mỗi biện pháp tránh thai đều có một tỷ lệ nhỏ thất bại. Ở Mỹ mỗi năm có tỷ lệ thất bại tránh thai là khoảng 8% đối với viên uống tránh thai và 15% đối với bao cao su. Riêng tỷ lệ thất bại của các biện pháp truyền thống như kiêng sinh hoạt tình dục là 26% [Báo cáo của UNFPA, 2008]. Một số nghiên cứu gần đây đã đặt ra câu hỏi đối với phụ nữ sinh hoạt tình dục ngoài hôn nhân nhưng không sử dụng biện pháp tránh thai về thái độ của họ. Có đến 60% phụ nữ nói rằng không thích sử dụng BPTT mặc dù họ không muốn có con [UNFPA].
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phá thai. Tuy vậy một số lý do thường được phụ nữ đề cập là mong muốn sinh ít con hoặc giãn cách giữa các lần sinh. Ngoài ra còn nhiều lý do khác được giải thích như sức khỏe, ảnh hưởng sự nghiệp… Nguyên nhân phá thai còn do các yếu tố kinh tế khác như: nghèo đói, không có việc làm, không đủ sức nuôi dạy, chăm sóc con cái sau khi sinh… Cũng theo UNFPA, có khoảng 68% số phụ nữ được hỏi đã đưa ra nguyên nhân nạo phá thai là do khó khăn kinh tế hoặc do đói nghèo.
Các quan hệ khác như chồng hoặc người tình không đồng ý giữ thai cũng tác động đến hành vi nạo phá thai. Lý do còn quá trẻ hoặc lo sợ cha mẹ và người thân phản đối khá phổ biến ở các phụ nữ trẻ. Có khoảng 1/4 số bạn gái nói rằng “quá trẻ” là yếu tố để họ quyết định phá thai và 15% nói rằng không muốn cha mẹ hay những người khác biết rằng họ đã có thai.
Tất cả các nguy cơ đối với sức khỏe người mẹ về thể chất cũng như tinh thần đều được đề cập đến khi có thai sớm. Tuy vậy ở những nước qui định việc phá thai là phạm pháp thì nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe lại được coi là trường hợp ngoại lệ. Nhiều phụ nữ nói đến lý do “sức khỏe” bởi vì xã hội có thể chấp nhận trong một chừng mực nhất định hành vi nạo phá thai của họ.
Phá thai lựa chọn giới tính là một lý do ngầm ở các nước Châu Á, đặc biệt là tập quán “trọng nam, khinh nữ”. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự lựa chọn giới tính đã góp phần vào tỷ lệ nạo phá thai cao ở phụ nữ Châu Á. Tuy vậy, nguyên nhân “giới tính” hầu như không được đề cập một cách công khai, bởi liên quan đến các vấn đề đạo đức. Ngoài ra còn có một số lý do không được xác định cụ thể, gồm cả những lý do nhạy cảm như phá thai vì bị hiếp dâm; hoặc phá thai do áp lực của người khác …
Có thể nói rằng: Lý do phá thai ở phụ nữ thường liên quan chặt chẽ đến các đặc trưng về kinh tế – xã hội và nhân khẩu học. Các nhà nghiên cứu đã chọn 3 đặc trưng lớn về tuổi, tình trạng hôn nhân và trình độ học vấn để tìm hiểu tình trạng nạo phá thai hiện nay. Trong đó tuổi của phụ nữ thường có mối liên quan chặt chẽ với hành vi phá thai. Nghiên cứu cho thấy lý do phá thai của phụ nữ trẻ dưới 25 tuổi mong muốn được rảnh rang để lo sự nghiệp trước khi có con. Ngược lại với những phụ nữ từ 25 tuổi trở lên thường đưa ra lý do “dừng sinh” vì đã đủ số con. Đối với những phụ nữ chưa chồng thì vấn đề mối quan hệ bên ngoài là một trong những lý do chính thức dẫn đến hành vi phá thai nhiều hơn phụ nữ đã có chồng.
Đặc trưng về trình độ học vấn ít có quan hệ với hành vi nạo phá thai của người phụ nữ. Số liệu nghiên cứu ở nhiều nước cho thấy lý do phá thai của những phụ nữ có trình độ học vấn cao cũng tương tự như lý do phá thai của những phụ nữ có trình độ học vấn thấp.