Có khoảng 75 – 90% phụ nữ bị rạn da khi mang thai. Các vết rạn phát triển ở bụng, bầu vú hay đùi trong suốt thời kỳ này để thích nghi với sự phát triển của thai nhi.
Da trên cơ thể có khả năng co giãn và đàn hồi thông qua các sợi collagen và elastin. Các sợi này giúp da căng và co lại như ý muốn và sẽ thoái hóa theo thời gian.
Khi mang thai, vùng bụng và mông của người phụ nữ thường bị căng giãn quá nhanh về kích thước, nhất là khi tăng cân thái quá, khiến da không thể giãn ra kịp, mặt khác các sợi đàn hồi collagen và elastin không được chuẩn bị để thích ứng kịp thời với kích thước tăng nên xảy ra tình trạng đứt gãy. Các vết đứt gãy liên tiếp sẽ tạo thành các vết rạn nứt, ban đầu có màu đỏ nâu do các mạch máu dưới da bị tổn thương. Sau khi sinh và cơ thể hồi phục, các vết rạn sẽ chuyển thành sẹo màu trắng, đến lúc này thì việc điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn vì các vết rạn đã trở thành sẹo vĩnh viễn.
Rạn da không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn làm cho da trở nên mỏng, yếu và nhão. Hiện tượng da thừa trở nên khá phổ biến. Da thừa tại vùng rạn không có khả năng hồi phục trạng thái bình thường, chúng trở thành những rãnh nhỏ loang lổ và nhanh chóng khiến cơ thể chúng ta lão hóa.
Khôi phục da
Trên thực tế không có cách nào để khôi phục các vết rạn trên da đã bị tổn thương ngoài phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng chúng ta có thể hạn chế tình trạng này bằng cách:
- Massage để tăng sự lưu thông máu.
- Bôi kem dưỡng ẩm vào khu vực bị rạn để giữ da luôn mềm mại, tăng tính đàn hồi cho da.
- Ăn nhiều thức ăn tốt cho da như thức ăn có chứa nhiều vitamin C, E, kẽm.
Lưu ý: Các chăm sóc thường chỉ có hiệu quả đối với những vết sẹo mới. Các vết rạn da cũ thì gần như không có hiệu quả.
Theo suckhoesinhsan