Cuốn sách “Giáo dục tình dục cho lớp trẻ: trách nhiệm thuộc về ai?” của TS. Khuất Thu Hồng vừa mới được đăng cách đây ít lâu, tôi – một thanh niên – muốn nêu ý kiến kiến của mình về một “câu chuyện” nhỏ trong vấn đề lớn này.
Ai cũng biết tác dụng của chiếc bao cao su là để tránh mang thai ngoài ý muốn và ngăn ngừa sự lây nhiễm của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là HIV/AIDS. Và, trong nhiều năm trở lại đây, cùng với các chương trình giáo dục về sức khỏe sinh sản – sức khỏe tình dục, bao cao su ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người tỏ ra khá tự nhiên khi nhắc đến bao cao su, thậm chí mang nó theo người để… phòng thân khi cần. Đây là một điều đáng mừng, thể hiện hiệu quả của các chương trình truyền thông, giáo dục.
Tuy nhiên, câu chuyện về thái độ của người lớn đối với hành vi sử dụng bao cao su của giới trẻ thì không theo chiều hướng tốt như vậy nếu không muốn nói là gần như ngược lại. Hiểu rõ về thái độ này chúng ta cũng sẽ hiểu vì sao câu hỏi tưởng như thừa nhưng vẫn được TS. Hồng đặt ra: Giáo dục tình dục…, trách nhiệm của ai?
Rõ ràng, để có bao cao su dùng thì người ta buộc phải đi mua nếu không được cho, được phát. Tuy nhiên, một thanh niên vào hỏi mua bao cao su ở hiệu thuốc sẽ bị cả người bán hàng và khách mua hàng ở đó soi từ đầu đến chân như nhìn thấy vật thể lạ. Chính vì bị “săm soi” như vậy nên chỉ có những bạn trẻ cực kỳ mạnh dạn mới dám vào hiệu thuốc hỏi mua bao cao su. Còn các bạn trẻ khác, sau lần đầu đỏ mặt tía tai vì ngượng, đã chọn giải pháp… không dùng bao cao su (và hậu quả của “giải pháp” này như thế nào thì chúng ta đều rõ). Những cái nhìn “săm soi” như vậy dù không còn nhiều như trước, nhưng nếu các bạn chú ý quan sát, sẽ không khó để bắt gặp.
Trở lại vài năm trước, khi thể hiện thái độ phê phán “lối sống mới” của giới trẻ, nhiều tờ báo đã đưa ra hình ảnh các đôi trai gái vào hiệu thuốc mua bao cao su để làm “bằng chứng”. Cũng trên báo chí trong khoảng thời gian đó, người ta còn thấy các cơ quan chức năng đã dùng các bao cao su, dùng rồi hoặc chưa dùng, tại các nhà nghỉ, khách sạn để kết luận về hành vi phạm tội của người bán – mua dâm. Và để đối phó, nhiều người đã không dám dùng bao cao su…
Ở đây, rõ ràng là chúng ta không bao biện và ủng hộ hoạt động mua – bán dâm, cũng không cổ vũ lối sống coi tình dục là trên hết, tình dục tự do, vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết, nhưng việc người lớn giữ cách nhìn… dùng bao cao su làm bằng chứng để phán xét giới trẻ vô tình đã đẩy giới trẻ tới chỗ gặp nguy hiểm nhiều hơn. Họ sẽ quan hệ tình dục mà thiếu biện pháp an toàn, họ sẽ mang thai ngoài ý muốn và mắc nhiều bệnh lây qua đường tình dục, nhất là HIV/AIDS…
Tôi nhớ đến câu chuyện ở nước Mỹ, cũng liên quan đến bao cao su, mà một tờ báo đã đăng cách đây vài năm. Một người mẹ nhét chiếc bao cao su vào túi quần cậu con trai và dặn cậu ta rằng “Con hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi dùng đến nó”. Hành động và lời nói đó đã thể hiện quan điểm một cách rõ ràng rằng bà mẹ không khuyến khích cậu con trai quan hệ tình dục khi cậu ấy chưa sẵn sàng, và nếu đã sẵn sàng quan hệ thì cần dùng bao cao su để giữ an toàn cho bản thân và bạn gái. Đó không phải là hành động người mẹ cổ vũ cậu con trai quan hệ tình dục.
Mong rằng ở đất nước chúng ta, sự chủ động trong việc tìm mua và sử dụng bao cao su của giới trẻ nói riêng và tất cả mọi người nói chung, sẽ sớm được nhìn nhận theo hướng tích cực thay vì “săm soi” phát xét như hiện nay.
Theo 2gioitinh