Bổ sung dưỡng chất cho phụ nữ có thai là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các mẹ bầu bị thiếu máu. Vậy thiếu máu khi mang thai cần bổ sung gì? Hãy cùng theo dõi nội dung dưới đây nhé!
Mục lục
Hiểu nhanh về tình trạng thiếu máu khi mang thai
Thiếu máu khi mang thai hay thiếu máu thai kỳ là tình trạng suy giảm lượng huyết sắc tố và lượng hồng cầu trong máu ở mẹ bầu. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, chủ yếu bao gồm sự gia tăng nhu cầu về máu, chế độ ăn không cung cấp đủ sắt, acid folic, vitamin B12…
Khi bị thiếu máu, mẹ bầu có thể gặp phải các vấn đề như mệt mỏi, khó thở, da nhợt nhạt, nhức đầu và tim đập nhanh… Tình trạng này cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi, bao gồm nguy cơ sinh non và suy dinh dưỡng. Đặc biệt, thiếu máu cũng tăng nguy cơ nhiễm trùng cho cả mẹ và thai nhi, trường hợp nghiêm trọng thậm chí có thể đe dọa tính mạng.
Trẻ được sinh ra từ mẹ bị thiếu máu cũng dễ bị thiếu máu, dễ mắc các bệnh lý sơ sinh, đồng thời có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, thể chất về lâu dài.
Thiếu máu khi mang thai cần bổ sung gì?
Như đã nói ở trên, thiếu máu khi mang thai có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu là điều cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu máu trong thai kỳ.
Dưới đây là những chất cần thiết mà bà bầu nên bổ sung để đối phó với thiếu máu khi mang thai:
Sắt
Sắt là khoáng chất thiết yếu, đặc biệt cần thiết cho quá trình tạo hồng cầu, giúp cung cấp oxy cho cơ thể. Trong thai kỳ, cùng với sự phát triển của thai nhi nhu cầu sắt của mẹ cũng sẽ tăng lên nhanh chóng.
Thiếu sắt là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu thai kỳ. Chính vì vậy phụ nữ mang thai nên tăng cường bổ sung sắt từ các thực phẩm như: thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, rau cải, bí ngô, đậu đen, đậu nành…
Đặc biệt, chuyên gia sản khoa cũng khuyến khích mẹ bầu sử dụng các chế phẩm bổ sung sắt để đáp ứng nhu cầu sắt tăng cao trong thai kỳ, hạn chế tối đa nguy cơ thiếu máu thiếu sắt.
☛ Tìm hiểu thêm: Tại sao mẹ bầu cần bổ sung sắt?
Acid folic
Acid folic hay folate là một loại vitamin nhóm B quan trọng trong quá trình tạo hồng cầu, duy trì sức khỏe và đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi. Thiếu acid folic sẽ khiến việc sản xuất hồng cầu giảm sút, dẫn tới thiếu máu, đồng thời làm tăng nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi.
Bà bầu có thể bổ sung axit folic từ các nguồn thực phẩm như rau cải, bông cải xanh, rau chân vịt, đậu nành, đậu đỏ, đậu bắp…
Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng các loại thực phẩm bổ sung axit folic nếu cần thiết. Tuy nhiên, việc bổ sung nên được thực hiện theo chỉ dẫn cụ thể từ bác sĩ để đảm bảo liều lượng phù hợp và an toàn cho thai kỳ.
☛ Xem chi tiết: Tại sao nên bổ sung acid folic cho bà bầu?
Vitamin B12
Khi cơ thể không đủ vitamin B12, quá trình tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh bị gián đoạn, gây ra tình trạng thiếu máu. Do đó, vitamin B12 cũng là dưỡng chất mẹ bầu cần bổ sung khi bị thiếu máu.
Một số thực phẩm giàu vitamin B12 có thể kể đến gồm: Sữa, các chế phẩm từ sữa, trứng, thịt cá, thịt gia cầm, tôm, cua…
Vitamin C
Vitamin C có khả năng giúp tăng hấp thụ sắt từ thực phẩm, từ đó góp phần cải thiện chứng thiếu máu thai kỳ hiệu quả hơn. Ngoài ra, vitamin C còn có đặc tính chống oxy hóa, giúp bảo vệ hồng cầu khỏi sự tấn công của các gốc tự do, giúp đảm bảo chức năng năng của các tế bào này.
Việc ăn đồng thời các thực phẩm giàu sắt và vitamin C sẽ giúp cải thiện quá trình hấp thụ và sử dụng sắt của cơ thể. Mẹ có thể bổ sung vitamin C từ trái cây và rau quả như cam, chanh, kiwi, dâu tây, ớt chuông, cà chua, rau chân vịt…
Thiếu máu khi mang thai tránh dùng gì?
Bên cạnh việc tăng cường bổ sung các dưỡng chất có lợi cho quá trình tạo máu, mẹ bầu bị thiếu máu thai kỳ cũng cần tránh sử dụng các thực phẩm và các chất như:
Rượu bia
Các loại đồ uống chứa cồn như rượu, bia… không được khuyến khích sử dụng cho mẹ bầu, nhất là với các trường hợp thiếu sắt.
Thường xuyên sử dụng rượu bia còn có thể khiến chức năng gan bị rối loạn, gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và sử dụng sắt trong cơ thể, làm tình trạng thiếu máu thêm trầm trọng. Ngoài ra, chúng cũng làm quá trình hấp thu dưỡng chất của cơ thể bị ảnh hưởng, gây mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Trà, cà phê
Chất tanin có trong trà và cà phê có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt, khiến cơ thể không nhận đủ lượng sắt cần thiết, từ đó làm tăng nguy cơ thiếu máu.
Mẹ hãy hạn chế việc uống trà và cà phê cùng với các bữa ăn giàu sắt ít nhất khoảng 2 giờ đồng hồ.
Thực phẩm chứa nhiều phytate
Phytate hay axit phytic là một chất có khả năng gắn kết với sắt trong hệ tiêu hóa, gây cản trở quá trình hấp thụ sắt. Do đó, khi thiếu máu, việc hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa phytates là điều cần thiết. Nếu không, mẹ nên tránh sử dụng chúng cùng các thực phẩm giàu sắt.
Phytate này có nhiều trong các thực phẩm như lúa mỳ nguyên cám, gạo lứt, ngũ cốc… đặc biệt trong lớp cám bên ngoài của chúng.
Thực phẩm axit oxalic
Một vài thực phẩm có chứa acid oxalic như đậu phộng, rau mùi tây, chocolate… có thể cản trở quá trình hấp thu sắt của cơ thể, do đó mẹ bầu bị thiếu máu nên hạn chế ăn các thực phẩm này hoặc tránh sử dụng chúng trong các bữa ăn giàu sắt
Không dùng sắt cùng lúc với canxi
Canxi có thể tương tác với sắt và làm giảm sự hấp thụ sắt. Do đó mẹ nên hạn chế tiêu thụ thức ăn giàu canxi như sữa, sữa chua, sữa đậu nành và các sản phẩm từ sữa trong khi ăn thức ăn giàu sắt. Tốt nhất hãy bổ sung các chất này cách nhau khoảng 2 giờ để đảm bảo sự hấp thụ tối đa của cơ thể.
Đọc thêm: Lưu ý trong chế độ ăn uống cho bà bầu
Kết luận:
Thiếu máu khi mang thai có thể gây những tác động tiêu cực đến sức khỏe mẹ và bé. Để cải thiện, phòng ngừa tình trạng này, mẹ bầu nên chú trọng đến việc bổ sung các chất dinh dưỡng như sắt, acid folic, vitamin B12. Đặc biệt, đừng quên thăm khám sức khỏe định kỳ và tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung sắt và các dưỡng chất một cách khoa học, phù hợp nhất.