Chưa thành người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con, tuổi teen luôn khiến bố mẹ, người thân lo lắng bởi những biến đổi, suy nghĩ thất thường trong suy nghĩ, tình cảm. Một trong những “căn bệnh” đang làm người lớn đau đầu là sự ngộ nhận của tuổi mới lớn về chính bản thân mình.
1001 kiểu ngộ nhận
Hầu hết các bậc cha mẹ có con ở tuổi teen đều than phiền con cái ngày càng xa cách với cha mẹ, chỉ thích trò chuyện, giao lưu bên ngoài hơn là đi chơi cùng gia đình. Riêng anh chị Phước (quận 1) lại càng hãnh diện hơn về Mai Phương, cô con gái tuổi teen của mình. Không chỉ xinh xắn, học giỏi, Mai Phương còn rất gắn bó với gia đình, ít tụ tập bạn bè như các bạn đồng trang lứa.
Nhưng Phương càng lớn, anh chị lại bắt đầu có nỗi lo khác. Cô bé gần như không có bạn bè và đặc biệt không có bạn thân. Phương đổi bạn nhanh hơn thay model thời trang. Nhiều lần chính anh chị cũng có cảm giác khó chịu khi nghe Phương dè bỉu chê bai bạn bè: Nhỏ M cùi bắp, thằng Vũ đần độn, con Vy tự kỷ, xóm nhà quê cuối lớp… Trong mắt Phương đứa bạn nào cũng kém cỏi, đần độn, không xứng đáng để cô bé kết bạn. Mới đây, ở một bữa tiệc sinh nhật người bạn thân của anh chị, Mai Phương đã khiến cho cả chủ lẫn khách một phen khó xử khi tự tin đến mức chê bai không thương tiếc từ cách bài trí phòng tiệc, đến mái tóc và cả trang phục của nhân vật chính trong bữa tiệc.
Cả tháng nay, hễ gặp bạn bè, chị Lê Thị Chi (Thủ Đức ) lại than van “Con cái gì lạ, người ta ở quê nghèo khổ đùm cơm, đùm gạo lên tận thành phố thi đại học. Con nhà mình điều kiện không thiếu, lại nhất định không đi thi. Sung sướng không muốn, cái kiểu đó sau này chỉ có đi đẩy xe rác”. Mặc cho mẹ hết la mắng lại xuống nước năn nỉ, Hồng Anh vẫn không hé miệng trả lời nửa câu.
Ngày bạn bè cùng trang lứa hào hứng bước vào kỳ thi ĐH, Hồng Anh khiến bố mẹ chưng hửng khi một mình đạp xe đến khu chế xuất Linh Trung nộp hồ sơ xin thi tuyển làm công nhân may. Vô tình đọc được nhật ký của con, chị Chi càng nổi giận: “H.A ơi, mi là đồ vô dụng. Mi sinh ra làm chi trên cõi đời này? Mi là ai? Ngày mai của mi sẽ ra sao? Tại sao mi bất tài vô dụng đến vậy? Vì sao mi không bao giờ làm ba mẹ hài lòng? 12 năm cơm cha, áo mẹ giờ mi làm được gì? Ngày mai ta sẽ đi về đâu?…”.
Một trong những bệnh ngộ nhận phổ biến của tuổi teen và khiến nhiều người lo ngại nhất hiện nay là ngộ nhận về giới tính. Đến những địa chỉ của teen vào các ngày cuối tuần, nhiều người không khỏi giật mình bởi hình ảnh yêu đương đồng giới công khai trước bàn dân thiên hạ của một bộ phận tuổi teen. Theo các chuyên viên tư vấn, tỷ lệ các ông bố bà mẹ đến tư vấn vì có con bỗng nhiên thay đổi giới tính khi bước vào tuổi teen cũng ngày càng tăng.
Mới đây nhất, sự ngộ nhận về thần tượng, việc bắt chước các hotgirl, hotboy đang rộ lên ở lứa tuổi mới lớn. Hiện tượng bắt chước thần tượng giờ đây không chỉ dừng lại ở trang phục, tóc tai, điệu bộ mà còn là lối sống buông thả, sở thích “khoe hàng” trên mạng… khiến người lớn phát hoảng
Theo chuyên viên tư vấn Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường cao đẳng Sư Phạm TW–TP.HCM): “Một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là tuổi mới lớn đang vướng vào căn bệnh ngộ nhận với nhiều kiểu: ngộ nhận về tình yêu, bản thân, nhận thức, giới tính, lối sống… Hiện tượng những người trẻ dễ dàng ngộ nhận ngày càng tăng và đang trở thành vấn đề xã hội khiến những người có trách nhiệm phải băn khoăn, trăn trở”.
Trẻ ngộ nhận – lỗi tại ai?
Đến trung tâm tư vấn tâm lý, với hy vọng sẽ được hướng dẫn cách “trị” cô con gái ngang bướng, chị Chi mới ngộ ra rằng chính mình là người có lỗi. Quá kỳ vọng vào hình ảnh một đứa con hoàn hảo khiến chị không bao giờ hài lòng với những gì con gái làm được. Rất hiếm khi khen con, nhưng khi con mắc lỗi chị lại không tiếc lời mắng nhiếc, xỉ vả, nào là “đồ vô dụng”, “ăn hại”… Thậm chí chị thường xuyên mắng con theo kiểu “vô tích sự như mày thì chỉ có nước đi ăn mày”, “Cái ngữ ngu dốt như mày thì đi hốt rác người ta cũng không thèm nhận”… Lời lẽ xỉ vả của mẹ không chỉ khiến Hồng Anh tổn thương mà còn mất dần niềm tin vào chính bản thân và nghĩ rằng mình là loại người vô dụng đúng như mẹ nói.
“Thay vì than van “sao con chẳng giống cha mẹ” hoặc trách phạt con, cha mẹ cần thẳng thắn nhìn nhận mình là người có lỗi lớn nhất khi con mắc chứng ngộ nhận”, bà Nguyễn Thị Tâm – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý Hồn Việt bày tỏ quan điểm của mình.
Sau lần bẽ mặt với bạn bè, anh chị Phước mới thấm thía tác hại của việc lúc nào cũng đưa con lên tận trời xanh của mình. Chị thú nhận: “Có lẽ vì cháu khá xinh xắn và học giỏi nên vợ chồng tôi chủ quan. Đôi lúc vì thương con nên tôi cũng quá lời, thậm chí dùng lời lẽ hơi trừu tượng để khen con, chẳng hạn như “con thật là tuyệt vời”, “con mẹ là giỏi nhất, không ai bằng”. Tưởng là chỉ nói cho vui, lời nói vô thưởng vô phạt, ai dè cháu tin đó là sự thật. Chỉ có một con nên chúng tôi cũng không tiếc những phần thưởng về vật chất khi con có thành tích. Sai lầm của chúng tôi là cháu luôn được thưởng quá nhiều thứ có giá trị, trong khi thành tích của cháu không có gì là lớn lao. Mỗi khi cháu phạm lỗi, ba mẹ dễ dàng bỏ qua. Dần dần cháu ngộ nhận mình là ngừơi giỏi giang, không có khuyết điểm”
Kinh tế phát triển, nhu cầu về vật chất đang được nhiều gia đình đặt lên hàng đầu. Cha mẹ mải kiếm tiền, không còn nhiều thời gian chăm sóc giáo dục con cái. Một số phụ huynh quan niệm: Con cái đã được hưởng quá nhiều điều kiện tối ưu về vật chất mà thế hệ cha mẹ có nằm mơ cũng không thấy, vì thế bổn phận của con cái là phải học giỏi, phải ngoan ngoãn, phải hoàn hảo như bố mẹ mong muốn. Kỳ vọng quá cao khiến họ không bao giờ hài lòng với nỗ lực của con và sẵn sàng xỉ vả, nhục mạ khi trẻ không được như mong muốn. Theo các chuyên viên tư vấn, ngay cả những bố mẹ thuộc thành phần trí thức, thậm chí có ông bố học vị tiến sĩ cũng mắc sai lầm khi giáo dục con. Họ tâm sự: “Biết xỉ vả con là sai nhưng khi nóng, tôi không kiềm chế được bản thân và lời nói của mình”.
Ngày nay, xã hội đang lên cơn sốt với việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ mà thiếu hẳn việc giáo dục cho trẻ những giá trị đạo đức, những bài học làm người. Nhiều cha mẹ quan niệm chỉ cần có tiền cho con tham gia những hoạt động vui chơi, hoà nhập với thế giới xung quanh, tham gia những khoá huấn luyện kỹ năng… là cách giúp con trưởng thành.
Trong một xã hội, khi cái tôi của mỗi người đang được đề cao, những lỗ hổng về đạo đức, giá trị sống lại càng dễ khiến trẻ bị lệch lạc. Bà Nguyễn Thị Tâm và bà Trish Summerfield (Giám đốc Trung tâm Giá trị sống Việt Nam) đều có chung quan điểm: “Trang bị kỹ năng sống cho trẻ nhưng thiếu giáo dục giá trị đạo đức đôi lúc dễ khiến trẻ trở nên kiêu ngạo, lúc nào cũng cho rằng mình là người biết nhiều thứ, có khả năng ở nhiều lãnh vực… và coi thường mọi người xung quanh”.
Giúp con cân bằng cuộc sống
Chuyên viên Hữu Long cho biết: “Khi trẻ ngộ nhận, dù là kiểu ngộ nhận nào, trẻ cũng sẽ bị mất phương hướng, mục đích sống. Khi không biết mình là ai trẻ không thể xác định được mục tiêu của cuộc đời và vì thế sẽ gặp nhiều khó khăn khi trưởng thành”.
Cá tính của trẻ phát triển mạnh mẽ ở tuổi mới lớn. Ở tuổi này trẻ có khuynh hướng chia sẻ, gần gũi với bạn bè hơn gia đình, những trào lưu trong giới trẻ dễ ảnh hưởng lẫn nhau. Bệnh ngộ nhận vì thế cũng dễ lây lan nhưng đây lại là thời điểm quá trễ để cha mẹ có thể uốn nắn, dạy dỗ con cái. Theo bà Nguyễn Thị Tâm: “Thời điểm vàng để giúp con phát triển nhân cách là khi con còn bé. Những giá trị của cuộc sống, lòng biết ơn, sự sẻ chia… phải được cha mẹ giáo dục cho con mỗi ngày khi con còn ở tuổi mẫu giáo”.
Đồng quan điểm với bà Tâm, chị Nguyễn Thị Bích Phượng (Trưởng phòng kinh doanh công ty TNHH Lâm Hương, Q. 10 ) chia sẻ: “Từ khi các con còn nhỏ, vợ chồng tôi thường đưa những vấn đề của cuộc sống cho con bình luận một cách khách quan và phù hợp với độ tuổi. Có thể vấn đề đó không trực tiếp liên quan đến các cháu nhưng những cuộc bình luận, trò chuyện quanh mâm cơm vừa là những bài học giáo dục, vừa dần dần hình thành cho các cháu thói quen thẩm định đúng, sai trước những hiện tượng, vấn đề quan sát được. Khi đã có một hệ thống những giá trị, quan niệm đúng về cuộc sống, con người, các cháu dễ cân bằng bản thân khi bước vào tuổi mới lớn, tuổi khó chịu nhất của cuộc đời”.
“Trẻ con ngày nay được bố mẹ đầu tư, kỳ vọng quá nhiều chỉ ở lãnh vực học hành. Cha mẹ quên rằng mỗi trẻ có một khả năng, giới hạn khác nhau. Trẻ có thể không học giỏi như bố mẹ mong đợi, nhưng bù lại trẻ lại có một khả năng khác mà nếu được khuyến khích, đầu tư đúng mức trẻ có thể đạt được những thành tích vượt trội. Tuổi mới lớn luôn muốn “chơi trội” và xem đó là cơ hội để khẳng định mình. Nếu biết khéo léo phát hiện, giúp trẻ phát huy thế mạnh, sở trường, trẻ vẫn là những đứa con đầy tiềm năng, khiến cha mẹ hãnh diện. Huyễn hoặc con bằng những giá trị ảo hoặc mạt sát trẻ chỉ vì trẻ không được như mong đợi đều khiến trẻ mất cân bằng trong cụôc sống và dẫn đến những hậu quả khôn lường”, bà Nguyễn Thị Tâm kết luận.
Theo 2gioitinh