Kiến thức phải biết để điều trị tốt bệnh sỏi mật. Người bị sỏi mật và gia đình nên đọc để có thể chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe.
Nguyên nhân của những cơn đau quặn hạ sườn phải buộc bệnh nhân phải đi cấp cứu thường do sỏi mật gây ra. Trong cơ thể, sỏi có thể gặp ở nhiều cơ quan, nhưng nhiều nhất là trong đường mật. Sỏi mật có thể chỉ ở túi mật (gặp nhiều ở các nước châu Âu), ở đường mật hoặc đồng thời có ở cả hai nơi. Ở Việt Nam thường hay gặp sỏi đường mật.
Tùy sỏi túi mật hay sỏi đường mật mà người bệnh có các biểu hiện khác nhau.
Sỏi túi mật:
80% sỏi túi mật không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng rất nhẹ. 20% sỏi túi mật có triệu chứng biểu hiện bằng các cơn đau dữ dội ở hạ sườn phải.
Cơn đau thường hay xảy ra sau bữa ăn nhiều mỡ, có uống rượu hoặc trong thời kỳ trước khi hành kinh hoặc khi quá căng thẳng thần kinh. Các cơn đau thường xuất hiện vào buổi tối hoặc vào ban đêm, cơn đau liên tục, tăng dần lên đôi khi đi kèm theo các triệu chứng như rối loạn nhịp thở, ngoại tâm thu, chậm nhịp tim.
Đây là triệu chứng phổ biến của sỏi mật. Nó có thể kéo dài vài phút đến vài giờ. Nếu kéo dài trên 6 giờ có khả năng có biến chứng viêm túi mật.
Chẩn đoán sỏi túi mật đơn giản chỉ cần siêu âm là có thể phát hiện được sỏi.
Viêm túi mật cấp – một biến chứng thường gặp của sỏi túi mật (90%). Triệu chứng của viêm túi mật cấp lúc khởi đầu cũng giống như một cơn đau hạ sườn phải nhưng kéo dài hơn, mức độ nặng hơn. Người bệnh dùng thuốc giảm đau không đỡ và không dám hít thở sâu. Đau có thể lan lên vai phải.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng khác như co cứng cơ bụng, buồn nôn, trướng hơi. 20% bệnh nhân bị viêm túi mật cấp có thể có biến chứng hoại tử thủng túi mật và viêm phúc mạc phải can thiệp ngoại khoa cấp cứu.
Điều trị sỏi túi mật
Sỏi túi mật có thể điều trị bằng thuốc để hòa tan sỏi và tống xuất sỏi ra khỏi cơ thể. Trường hợp sỏi túi mật đã có biến chứng hoặc đau nhiều, tái phát liên tục người bệnh có thể cần phải cắt bỏ túi mật.
Tất cả các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng đều có chỉ định điều trị bất kể kích thước và số lượng sỏi. Với sỏi túi mật không triệu chứng thì vai trò của cắt túi mật và các phương pháp điều trị khác là không rõ ràng. Từ các nghiên cứu theo dõi diễn tiến tự nhiên của sỏi túi mật cho thấy, không cần thiết phải cắt túi mật phòng ngừa, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10 mm, sỏi lớn hơn 25 mm…
Sỏi đường mật:
Sỏi nằm trong ống mật chủ và các đường mật trong gan. Khi sỏi nhỏ và không gây tắc mật, bạn có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Tuy nhiên, sỏi lớn có thể gây tắc hẹp đường mật và gây ra các triệu chứng xuất hiện theo trình tự: đau – sốt – vàng da.
Ngoài những biến chứng cấp tính như viêm đường mật, nhiễm trùng đường mật, áp-xe đường mật, ứ mật lâu dài sẽ dẫn đến xơ gan ứ mật thứ phát. Trên 50% trường hợp viêm tụy cấp có liên quan đến sỏi ống mật chủ và tiên lượng viêm tụy trong những trường hợp này thường rất nặng.
Sỏi đường mật có thể được chẩn đoán bằng siêu âm hoặc chụp mật tụy ngược dòng. Sỏi đường mật chữa trị phức tạp hơn sỏi túi mật nên cần dựa trên tình trạng thực tế mới có thể quyết định được phương pháp điều trị phù hợp.
Chế độ ăn uống và cách phòng ngừa sỏi mật
Không nên
Giảm mỡ và các chất béo. Hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như phủ tạng động vật. Có thể ăn trứng (ăn ít) vì trứng không gây đau thắt mật lại tạo ra sự kích thích cần thiết cho túi mật kịp thời bài tiết dịch mật ngăn ngừa việc ứ đọng dịch, tránh hình thành sỏi.
Nên
- Tăng chất đạm để chống thoái hóa mỡ tế bào gan
- Tăng thức ăn giàu đường bột, glucid dễ tiêu.
- Ăn nhiều rau quả tươi giàu vitamin B, C để tăng chuyển hóa mỡ và bột.
Phòng ngừa sỏi mật: Thực hiện chế độ ăn giảm cholesterol và ngăn chặn nhiễm khuẩn đường ruột nhất là do ký sinh trùng bằng vệ sinh ăn uống và tẩy giun định kỳ.