Tuổi tác càng lớn khối lượng xương khớp giảm sút, sự lão hóa của sụn khớp nhiều hơn nên dẫn tới những căn bệnh xương khớp như viêm khớp dạng thấp. Thời tiết thay đổi khiến bệnh càng trở nặng thêm. Cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Tại sao người già dễ mắc viêm khớp dạng thấp?
Viêm khớp dạng thấp xảy ra ở đối tượng nam và nữ song theo thống kê nữ giới mắc nhiều hơn so với nam giới. Thông thường các triệu chứng bệnh sẽ tăng theo độ tuổi, khoảng từ 55 tuổi trở lên dễ mắc bệnh này hơn.
Người già có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn độ tuổi khác vì các bộ phận của cơ thể đã bị suy giảm chức năng đồng thời thoái hóa dần theo quy luật tự nhiên đặc biệt là xương khớp
Hơn nữa, người cao tuổi thường nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Khi yếu tố này thay đổi thường xuyên và kéo dài dẫn sự tới sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể, các dịch bôi trơn các khớp ít đi và kéo theo đó là tình trạng cứng khớp. Ngoài ra, khi mạch máu không lưu thông được khiến sự ứ đọng và tác động tới các khớp. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới người già dễ mắc viêm khớp dạng thấp.
Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp
- Triệu chứng nổi bật của viêm khớp dạng thấp là tình trạng cứng khớp kéo dài vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, người bệnh thường phải xoa bóp khớp một lúc mới có thể xuống giường đi lại được.
- Sưng khớp ở các đốt cổ chân, khớp gối…
- Chỗ viêm khớp thường có màu đỏ, phát ban, sờ ấm hơn vùng da xung quanh
- Xuất hiện hạt nổi lên trên mặt da
- Một số người bệnh có biểu hiện tình trạng viêm màng phổi hay viêm màng tim, nhịp thở ngắn hơn so với bình thường
- Người bệnh dễ bị tắc nghẽn động mạch, nhồi máu cơ tim và có thể bị khàn giọng.
- Nhiều người bị đau mắt đỏ, toàn thân mệt mỏi, chán ăn, sút cân
Viêm khớp dạng thấp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm vì vậy khi có các triệu chứng của bệnh cần đi khám khi có các triệu chứng kể trên.
Nguyên tắc điều trị viêm khớp dạng thấp người già
Khi bị nghi ngờ mắc viêm khớp dạng thấp cần đi khám và điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ. Nguyên tắc điều trị là giúp giảm đau, giảm viêm và giảm cứng khớp. Thuốc dùng để giảm đau, chống viêm có nhiều loại khác nhau nhưng ngoài tác dụng chính chúng còn gây ra tác dụng phụ. Do đó, người bệnh cần lưu ý không được tự ý mua thuốc về điều trị cho mình tránh gây ra những tác dụng phụ không mong muốn và làm tình trạng bệnh thêm nặng hơn.
Nếu người bệnh viêm khớp dạng thấp có kèm theo các bệnh hen suyễn, dạ dày, tăng huyết áp hoặc bệnh về thân càng phải thận trọng. Khi đi khám bệnh cần cung cấp các thông tin về bệnh của mình cho bác sĩ biết trên cơ sở đó sẽ có biện pháp điều trị thích hợp.
Người bệnh cần lưu ý, khi bị viêm khớp dạng thấp không được tiêm bất cứ loại thuốc nào vào các vùng đau của khớp hoặc vào khớp khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đặc điểm của viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn kéo dài nhiều tháng, nhiều năm nên người bệnh cần kiên trì điều trị, điều trị liên tục không nên gián đoạn. Người bệnh nên đi khám theo định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của mình thuận lợi hơn.
Ngoài điều trị, người bệnh cần có chế độ ăn uống và vận động phù hợp hỗ trợ điều trị. Bổ sung canxi và các thức ăn tốt cho sụn khớp để giảm các triệu chứng bệnh và hỗ trợ quá trình điều trị. Nên có chế độ nghỉ ngơi thích hợp để giảm đau và phục hồi khớp.
Phương pháp luyện tập
Chế độ vận động và luyện tập hợp lý có thể hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Khoa học đã chứng minh những người bị viêm khớp dạng thấp sự thiếu vận động sẽ làm giảm sự linh hoạt và khả năng dịch chuyển của khớp. Luyện tập thường xuyên làm giảm đau khớp, tái tạo các múi cơ và tăng cường thể lực chung. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tập loại hình thể thao nào và mức độ vận động của khớp ra sao.
Nên tập luyện thể dục thường xuyên, nhưng trong đợt cấp tính bạn nên nghỉ ngơi. Vận động nhẹ nhàng các khớp, căng các cơ giúp tránh sự cứng khớp. Khi các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp thuyên giảm nên tập luyện các bài tập ít va chạm như đi bộ, chạy bộ, đi bơi… nhưng tránh các môn thể thao có tính đối kháng.
Không mang vác vật nặng, cố gắng di chuyển từ từ, trượt ngang, từng chút một và không nâng vật lên một cách đột ngột ảnh hưởng không tốt tới xương khớp.