GiadinhNet – Dự thảo Luật Dân số có nhiều điểm mới, trong đó có quy định cụ thể, chi tiết hơn về hành vi gây nên mất cân bằng giới tính khi sinh.
Sáng 24/6, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo Báo chí với công tác Dân số, hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11/7.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ, lãnh đạo ban biên tập, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội, thành viên Câu lạc bộ Nhà báo với công tác Dân số (thuộc Hội Nhà báo Việt Nam).
Nhấn mạnh về sức mạnh của công tác truyền thông với sự đồng hành, đóng góp quý báu của các cơ quan thông tấn, báo chí nói chung, các phóng viên gắn bó với công tác dân số nói riêng trong suốt thời gian qua, ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) chia sẻ ngành Dân số luôn ý thức một cách sâu sắc rằng, công tác này có thành công hay không là nhờ phần lớn vào việc tuyên truyền, giáo dục.
Khẳng định công tác truyền thông – giáo dục luôn được ngành Dân số coi trọng và bao giờ cũng đi trước một bước, ông Nguyễn Văn Tân đã gửi lời cảm ơn tới các cơ quan thông tấn báo chí và các nhà báo đã ủng hộ, đồng hành ngành Dân số hoàn thành nhiệm vụ được giao, và hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm quý báu của báo chí trong thời gian tới.
Điểm lại một số thành tựu nổi bật đã đạt được trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Tân cũng chia sẻ cùng các đại biểu, các nhà báo về những khó khăn trong công tác DS-KHHGĐ đặc biệt về công tác tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở tuyến huyện trở xuống; vấn đề kinh phí, ngân sách Nhà nước giành cho công tác DS-KHHGĐ bị cắt giảm mạnh liên tục, liên quan mật thiết đến bối cảnh Việt Nam có sự chuyển hướng chính sách trong cung cấp phương tiện tránh thai (thu hẹp ngày càng nhanh đối tượng được Nhà nước bao cấp về phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ, mở rộng đối tượng tự chi trả).
Hội thảo Báo chí với công tác Dân số hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11/7 cũng là dịp để các nhà báo quan tâm đến lĩnh vực này đối thoại với lãnh đạo ngành Dân số về các vấn đề đang được đông đảo người dân quan tâm.
Tại đây, rất nhiều câu hỏi liên quan đến dự thảo Luật Dân số (sẽ được trình Quốc hội vào nhiệm kỳ sau), ý nghĩa chủ đề ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay là “Hỗ trợ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai” đã được đưa ra.
Trả lời câu hỏi về Dự thảo Luật Dân số có điểm gì mới, ông Nguyễn Văn Tân cho hay: Có rất nhiều điểm mới trong Dự thảo Luật này. Trong đó, Dự thảo Luật quy định rõ hơn, cụ thể, chi tiết hơn về một trong những loại hành vi để lại hậu quả lớn trong công tác Dân số là mất cân bằng giới tính khi sinh. Quy định này sẽ là căn cứ pháp lý trong việc quản lý nhà nước trong việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Ngoài ra, cũng liên quan đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, dự kiến Dự thảo Luật sẽ trình lên Quốc hội quy định nạo phá thai có điều kiện. “Hiện nay, Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân (năm 1989) đang quy định: Phụ nữ có quyền phá thai theo nguyện vọng. Trong dự thảo Luật Dân số, chúng tôi dự kiến có “khoanh” một nhóm nhỏ, đó là những trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi có liên kết với các điều kiện kỹ thuật phổ biến hiện hành (phá thai từ 12 tuần trở lên).
Riêng về vấn đề dự thảo Luật Dân số có quy định về số con được phép sinh hay không, ông Tân khẳng định: Pháp luật Việt Nam không quy định điều này. Quyền sinh sản là quyền của mỗi người, quyền ấy phải được bảo vệ giống như là một cấu thành bất biến của quyền con người.
“Về pháp luật, chúng ta không có quy định mỗi cặp vợ chồng có quyền sinh bao nhiêu con. Đương nhiên, chúng ta không có chế tài xử phạt hành vi vi phạm” – ông Nguyễn Văn Tân khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tân, Việt Nam có chương trình vận động với khẩu hiệu “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1-2 con” hoặc “Nên dừng ở hai con để nuôi dạy cho tốt” hay “Dù gái hay trai chỉ hai là đủ”. “Đã là vận động, thì để làm cho người dân tự hiểu ra lợi ích của chính bản thân, gia đình, và lợi ích của cộng đồng, giúp đất nước phát triển bền vững” – ông Nguyễn Văn Tân cho hay.
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước dành cho công tác Dân số- KHHG bị cắt giảm, ảnh hưởng mạnh đến nguồn kinh phí mua phương tiện tránh thai cung cấp cho người dân, trong khi nhu cầu về phương tiện tránh thai của người dân vẫn rất cao, phóng viên đặt câu hỏi: Ngành Dân số ứng phó ra sao với tình trạng này?
Ông Nguyễn Văn Tân cho hay: Có nhiều phương tiện tránh thai Việt Nam chưa sản xuất được, hoặc chưa được sản xuất phổ biến trong nước (vòng tránh thai, thuốc cấy, tiêm tránh thai..) do đó, những phương tiện tránh thai này cần được bố trí kinh phí để mua. Còn những phương tiện tránh thai có thể sản xuất được ở trong nước, chúng tôi đang đề xuất với Bộ, chính phủ cho phép kết hợp với các nhà cung cấp để kết nối giữa họ và người dân.
Đối với chủ đề ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay, ông Nguyễn Văn Tân đánh giá đây là một chủ đề rất hay, rất nhân văn của Liên Hợp Quốc, phản ánh một vấn đề to lớn của cộng đồng toàn cầu. Chúng ta nhìn thấy cảnh các trại tị nạn ở châu Phi, dòng người tị nạn do chiến tranh ở Trung Đông, rồi dòng di tản ở Đông Nam Á, ở Mianma, Malaysia, động đất ở Nepal… Đây là vấn đề hết sức to lớn ở thế giới, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu về SKSS /SKTD đối với nhóm dễ tổn thương, nhất là phụ nữ, trẻ em gái. Ngoài những nhu cầu bình thường của con người, họ còn rất cần được chăm sóc, bảo vệ, phòng chống bị lạm dụng. Việt Nam cũng đã chuẩn bị các hoạt động ứng phó nếu thiên tai xảy ra.
Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội