GiadinhNet – Tối 21/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đã phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh”. Đây là sự kiện tổng kết Chiến dịch cùng tên diễn ra từ ngày 23/9.
Lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đạp xe diễu hành hưởng ứng Chương trình “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh” chiều 21/10. Ảnh: Chí Cường
Chiến dịch giàu tính nhân văn
Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) được khởi động từ ngày 23/9 năm nay.
Tại buổi họp báo phát động Chiến dịch này (ngày 23/9), các chuyên gia đã nhận định: Mất cân bằng GTKS đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia châu Á- nơi có tới 117 triệu phụ nữ và trẻ em gái được báo cáo “mất tích”. Tại Việt Nam, tỉ số GTKS (số trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái-PV) đang gia tăng một cách nhanh chóng và phức tạp dù chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn. Theo các số liệu, tỉ số GTKS của nước ta có xu hướng tăng cao từ năm 2008, đến năm 2013 là 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái và chưa có dấu hiệu dừng lại.
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đã bày tỏ sự lo lắng: Nếu không có các giải pháp triệt để, đến giữa thế kỷ này (khoảng năm 2050), Việt Nam sẽ “dư thừa” khoảng 2,3 – 4,3 triệu nam giới đến tuổi trưởng thành, không có cơ hội lấy vợ là người Việt Nam.
Nhiều bằng chứng ở châu Á cũng như ở Việt Nam cho thấy, mất cân bằng GTKS chủ yếu do định kiến giới, ưa thích con trai và xem thường giá trị trẻ em gái đã ăn sâu bám rễ trong quan niệm của một bộ phận người dân. Quan niệm đó “bắt nhịp” với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong việc lựa chọn giới tính thai nhi, đã và đang góp phần làm gia tăng tình trạng mất cân bằng GTKS hiện nay…
Để giải quyết vấn đề này, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về mất cân bằng GTKS, về vai trò, giá trị của phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới là rất quan trọng. Chính vì vậy, Tổng cục DS – KHHGĐ (Bộ Y tế) cùng các Bộ, ngành, đoàn thể và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã phát động Tháng truyền thông về mất cân bằng GTKS. Chương trình giao lưu nghệ thuật “Chung tay giải quyết mất cân bằng GTKS” (tối 21/10) là điểm nhấn ấn tượng của Chiến dịch này.
Cần sự chung sức của cả xã hội
Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái – nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước khi sinh.
Để giải quyết triệt để được tình trạng này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, truyền thông, giáo dục vẫn là mũi nhọn hàng đầu. Các biện pháp can thiệp về kỹ thuật như cấm siêu âm chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính… tính khả thi không cao.
Trong suốt gần một tháng diễn ra chuỗi sự kiện Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng GTKS, rất nhiều hoạt động đã diễn ra sôi nổi tại Trung ương và địa phương do Tổng cục DS-KHHGĐ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Chuỗi các sự kiện nằm trong Chiến dịch truyền thông với nhiều hình thức như: Hội thảo, tọa đàm, mít tinh diễu hành tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh… góp thêm sức mạnh truyền thông nhằm thay đổi nhận thức cho cộng đồng về vấn đề đang rất nóng bỏng này, kêu gọi hãy để các bé trai, bé gái được sinh ra theo quy luật tự nhiên, vì lợi ích của thế hệ tương lai, vì chất lượng nguồn nhân lực Việt.
Đây cũng là dịp để hàng triệu người dân Việt cùng nhìn nhận và hiểu rõ hơn về nguyên nhân gốc rễ, hậu quả và cùng chung tay giải quyết vấn đề mất cân bằng GTKS ở nước ta. Điều đó sẽ góp phần xây dựng một quy mô dân số hợp lý, cơ cấu dân số hài hòa, thúc đẩy sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì chất lượng nguồn nhân lực Việt.
Nhiều chuyên gia về giới, dân số đã khẳng định, khi phụ nữ và các em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm. Thậm chí, nữ giới còn làm tốt hơn.
Võ Thu