GiadinhNet – Ưa thích con trai đang là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và sự bất bình đẳng nam nữ. Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế đã đẩy mạnh Chiến dịch “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh” (từ 23/9 – 12/10) cùng các bộ, ngành, đoàn thể và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhằm từng bước giải quyết được tình trạng; tránh được hệ lụy của việc thừa nam, thiếu nữ trong tương lai.
Hệ lụy được báo trước
Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia châu Á, nơi có tới 117 triệu phụ nữ và trẻ em gái được báo cáo “mất tích”. Tại Việt Nam, tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS- số trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái) đang gia tăng một cách nhanh chóng và phức tạp dù chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp.
TSGTKS của Việt Nam có xu hướng tăng cao từ năm 2008, đến năm 2013 là 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái và chưa có dấu hiệu dừng lại. PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đã bày tỏ sự lo lắng nếu không có các giải pháp triệt để, đến giữa thế kỷ này, chúng ta sẽ “dư thừa” khoảng 2,3 – 4,3 triệu nam giới đến tuổi trưởng thành, không có cơ hội lấy vợ là người Việt Nam.
Nhãn tiền của vấn đề này có thể nhìn sang các quốc gia láng giềng đã trải qua tình trạng này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Họ đang phải đối mặt với tình trạng thừa nam, thiếu nữ khiến hàng chục triệu nam giới đến tuổi trưởng thành không có bạn đời để kết hôn. Trung Quốc đang thiếu hụt tới 67 triệu phụ nữ, còn Ấn Độ là 42 triệu phụ nữ… điều đó không chỉ tác động trực tiếp đến các vấn đề dân số nói riêng mà còn tác động tới an ninh trật tự xã hội và sự phát triển bền vững quốc gia nói chung. Đàn ông tại những nơi này đã phải tìm kiếm cô dâu là người nước ngoài, trong đó có không ít các cô dâu là người Việt Nam.
Đàn ông Việt có thể lấy vợ ở nước nào, trong khi các nước láng giềng cũng đang nhập khẩu cô dâu của ta? Bên cạnh đó, vấn đề tìm được bạn đời là người nước ngoài cũng không hề đơn giản, không chỉ là sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa mà theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế thì “chúng ta lại không đủ giàu để có thể lấy cô dâu người nước ngoài”.
Ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng
Có nhiều bằng chứng ở châu Á cũng như ở Việt Nam cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu do định kiến giới, ưa thích con trai và xem thường giá trị trẻ em gái đã ăn sâu bám rễ trong quan niệm. “Một trăm đứa khóc như ri, không bằng một đứa nó đi giật lùi” – tư tưởng sinh con trai để nối dõi tông đường, để thờ cúng… vốn ăn sâu gốc rễ trong tư tưởng của nhiều người dân, cộng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong việc lựa chọn giới tính thai nhi, đã và đang góp phần làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, tư tưởng, quan niệm của người dân mới là yếu tố chính dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Ông chỉ rõ, các tỉnh khu vực phía Nam là nơi khoa học công nghệ phát triển mạnh nhưng lại không xảy ra tình trạng này mà chỉ có “tỉnh nào, vùng nào có sự ưa thích con trai thì nơi đó TSGTKS cao”. Theo đó, những tỉnh có TSGTKS cao lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc, đặc biệt là đồng bằng sông Hồng. “Có những lúc chúng tôi giật mình hoảng hốt khi đi kiểm tra một số xã, đặc biệt ở các tỉnh, thành ở Đồng bằng Sông Hồng thì có những nơi, TSGTKS lên tới 150 trẻ sơ sinh trai /100 trẻ sơ sinh gái”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chia sẻ.
Sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm cao
Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng gia tăng; tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các đối tượng về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái vốn đã ăn sâu bám rễ và nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước khi sinh. “Tuy nhiên, nếu chỉ có phụ nữ thì không thể giải quyết được vấn đề, mà cần có sự hợp tác giữa nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác. Nam giới cần phải được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi văn hóa – xã hội”, ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định.
Để giải quyết triệt để được tình trạng này, theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến thì truyền thông, giáo dục vẫn là mũi nhọn hàng đầu. Các biện pháp can thiệp về kỹ thuật như cấm siêu âm chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính… thì tính khả thi không cao. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng cho hay, Đảng, Nhà nước đã nhìn nhận vấn đề này từ rất sớm và giao cho Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ giải quyết.
“Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ là của Đảng, Nhà nước, của Bộ Y tế mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, toàn dân một cách khoa học, nghiêm túc với trách nhiệm cao thì mới có thể thay đổi được tình trạng này”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng: Việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Có thể sẽ gia tăng về nhu cầu mại dâm, dẫn đến việc gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ.
Hà Anh