GiadinhNet – Bé trai N.D.T.C ra đời từ ca thụ tinh nhân tạo đặc biệt bởi người bố có tinh trùng dị dạng nặng, nay đã 16 tháng tuổi, khỏe mạnh bình thường, đang bi bô tập nói. Bé đang sống cùng gia đình tại Bắc Ninh.
ThS. BS Vương Đình Hoàng Dũng thuộc đơn vị hỗ trợ sinh sản-Bệnh viện An Sinh (TPHCM), là người trực tiếp thực hiện ca thụ tinh nhân tạo hiếm gặp này, đã xác nhận với PV Báo Gia đình & Xã hội thông tin nói trên.
Bé trai N.D.T.C, ra đời nhờ sự can thiệp của y học hiện đại sau 16 năm mong mỏi của bố mẹ. ảnh: B.V
Thắp lửa hy vọng cho những cặp đôi hiếm muộn
Đôi vợ chồng N.D.C (SN 1973) và N.T.H (SN 1977) sinh sống tại Bắc Ninh, họ đã kết hôn được 16 năm. 16 năm trời đằng đẵng, họ đã gõ cửa không ít nơi, áp dụng không ít các bài thuốc Đông- Tây y nhưng chuyện con cái dường như vô vọng! Anh C được chẩn đoán có tinh trùng đầu tròn (tức bị dị dạng nặng- PV). Riêng người vợ có sức khỏe sinh sản bình thường.
Tháng 3/2012, đơn vị hỗ trợ sinh sản- Bệnh viện An Sinh thực hiện ca thụ tinh đối với vợ chồng anh C. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 7/15 trứng thụ tinh (còn gọi là phôi) đạt tỷ lệ 46,6%. Đây là mức thấp bởi tỷ lệ được xem là bình thường phải đạt 70%.
Tuy nhiên, sau khi phôi được chuyển vào cơ thể, người mẹ vẫn thụ thai, song đến tuần thứ 8 lại bị lưu thai. Không nản chí, vợ chồng anh C tiếp tục thực hiện khát vọng có con nhờ sự can thiệp của y học hiện đại. Đến tháng 10/2012, đơn vị hỗ trợ sinh sản-Bệnh viện An Sinh tiếp tục tiến hành thụ tinh nhân tạo với ứng dụng kỹ thuật hoạt hóa noãn nhằm gia tăng tỷ lệ tạo phôi. Kết quả, có 12/16 trứng thụ tinh, tức tỷ lệ tạo phôi đạt 75%, trong đó có 4 phôi được đưa vào cơ thể chị H và thụ thai. Sau hơn 9 tháng, chị đã hạ sinh bé N.D.T.C. “Mẹ tròn con vuông”, ca sinh đã thành công mĩ mãn trong niềm hạnh phúc vô bờ của đại gia đình.
ThS. BS Vương Đình Hoàng Dũng giải thích: Tinh trùng của anh C bị dị dạng nặng khiến chúng thiếu nhiều yếu tố kích hoạt trứng thụ tinh. Trong đó có yếu tố PLG3 giúp phóng thích can-xi tạo điều kiện cho quá trình thụ tinh diễn ra bình thường. Đây cũng là lý do chính khiến phương pháp thụ tinh nhân tạo cổ điển (được ứng dụng từ 1978-1995, chủ yếu là cho trứng vào tinh dịch chứa tinh trùng đã được lọc rửa để quá trình thụ tinh diễn ra tự nhiên- PV) “bó tay” với các ca mà nam giới có tinh trùng dị dạng. Nói cách khác, đặt tinh trùng dị dạng và trứng gần nhau, chúng cũng “ngó lơ, chả chịu kết thân”!
Phương pháp mà Bệnh viện An Sinh ứng dụng trong trường hợp vợ chồng anh C có tên là “tiêm tinh trùng vào bào tương trứng” (ICSI), vốn được y học ứng dụng từ năm 1995 tới nay.
Với phương pháp này, các chuyên gia không phải đợi tinh trùng và trứng tự nhiên “kết thân” nữa mà chủ động “ép duyên” bằng cách “vợt” lấy tinh trùng “khỏe, đẹp trai” nhất rồi tiêm thẳng vào trứng. Dĩ nhiên, lối “ép duyên” này sẽ rất hiệu quả đối với tinh trùng bình thường, nhưng đối với tinh trùng dị dạng còn phải bổ sung kỹ thuật hoạt hóa noãn.
Vừa hiếm vừa khó
“Chúng tôi lần tìm tài liệu tương tự tình huống của vợ chồng anh C thì thấy rằng từ năm 1995 đến năm 2007 thế giới ghi nhận chưa quá 100 ca tinh trùng dị dạng nặng được thụ tinh nhân tạo thành công. Trong khi đó vợ chồng anh C là ca đầu tiên mà chúng tôi gặp phải liên quan đến hiện tượng tinh trùng bị dị dạng. Vì vậy chúng tôi gặp khó bởi không có yếu tố tiên lượng khả năng thành công”, ThS. BS Vương Đình Hoàng Dũng chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia sản phụ khoa này, trong tình huống bình thường, sau khi tạo phôi bằng cách giúp trứng thụ tinh nhờ kỹ thuật ICSI, khi đưa phôi vào cơ thể người mẹ thì trung bình tỷ lệ thụ thai được thống kê tại đơn vị hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện An Sinh là 42%. Tuy nhiên, đối với từng trường hợp cụ thể tùy theo độ tuổi, nguyên nhân gây hiếm muộn (nếu có) ở cơ thể người mẹ hoặc phôi “mạnh” hay “yếu” (phụ thuộc chất lượng trứng và tinh trùng) mà tỷ lệ này tăng hay giảm.
Có thể nói, ca thụ tinh nhân tạo thành công với tinh trùng dị dạng nặng mà Bệnh viện An Sinh thực hiện là ca đầu tiên tại Việt Nam được biết đến. Theo ThS. BS Vương Đình Hoàng Dũng, vấn đề kỹ thuật không hẳn là rào cản cho sự thành công đối với tình huống thụ tinh nhân tạo với tinh trùng dị dạng, vấn đề còn nằm ở chỗ hiếm khi nam giới mắc chứng dị dạng tinh trùng.
“Vợ chồng anh C quyết định lưu tại Bệnh viện An Sinh 3 phôi (trứng đã thụ tinh) để phòng trường hợp muốn có thêm con trong tương lai, 4 phôi còn lại của đợt thụ tinh nhân tạo lần thứ 2 thì họ quyết định hủy. Trong trường hợp vợ chồng anh C tiếp tục muốn có con, chúng tôi chỉ cần thực hiện kỹ thuật đưa phôi vào cơ thể người mẹ…”, ThS. BS Vương Đình Hoàng Dũng chia sẻ thêm.
Đối với tình huống thụ tinh nhân tạo bình thường, không giống tình huống của vợ chồng anh C, ThS. BS Vương Đình Hoàng Dũng cho biết thêm: Để quá trình thụ tinh nhân tạo (sử dụng trứng và tinh trùng của bố mẹ) đạt hiệu quả cao nhất, độ tuổi của người mẹ không nên quá 35 (ở Việt Nam) và 37 (với thế giới). “Đây cũng là vấn đề nan giải mà nhiều cặp vợ chồng thường gặp phải, tức là càng muộn con thì tuổi càng cao và tuổi càng cao thì càng khó có con, dù là thụ tinh nhân tạo. Ví như vợ chồng anh C chờ đến 16 năm, nếu họ kết hôn muộn thì khoảng thời gian chờ đợi này càng gây khó. Tốt nhất là đối với những ai mong muốn có con, nên khám sức khỏe sinh sản để phát hiện và điều trị sớm…”, ThS. BS Vương Đình Hoàng Dũng khuyến cáo.
Quy trình, chi phí ra sao?
Trước khi thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tại đơn vị hỗ trợ sinh sản-Bệnh viện An Sinh, cả anh C và chị H. đều được tư vấn và khám sức khỏe sinh sản, tầm soát các bệnh lây truyền, thực hiện các xét nghiệm, kích thích buồng trứng của người mẹ, quá trình này mất từ 9 đến 12 ngày.
Tiếp đến là tiêm thuốc kích thích rụng trứng, sau đó khoảng 36-40 giờ thì tiến hành chọc hút trứng của người mẹ, đồng thời lấy tinh trùng của người bố. Quá trình tạo phôi bằng kỹ thuật ICSI mất từ 2-3 ngày rồi chuyển phôi vào cơ thể người mẹ. 14 ngày sau người mẹ thực hiện quy trình thử thai. Nếu thụ thai, khi thai kỳ đến tuần thứ 7 người mẹ được siêu âm nhằm phát hiện đơn thai hay đa thai.
Theo tính toán của Bệnh viện An Sinh, chi phí thực hiện thụ tinh nhân tạo của vợ chồng anh C và chị H vào khoảng 45 triệu đồng/1đợt thực hiện. Nói cách khác, từ khi đặt chân đến Bệnh viện An Sinh tới khi sinh thụ thai bé trai N.D.T.C, vợ chồng anh C tốn khoảng 90 triệu đồng chi phí thụ tinh nhân tạo. Trong trường hợp vợ chồng anh C muốn có thêm con bằng 3 phôi lưu trữ tại Bệnh viện An Sinh, chi phí thực hiện được đơn vị này tính vào khoảng 10-15 triệu đồng.
Thanh Giang