Khi nói đến u buồng trứng, phần lớn bệnh thường gặp ở phụ nữ trưởng thành nhưng hiện nay, bệnh trẻ hóa và đa số xuất hiện ở phụ nữ dưới 30 tuổi, chưa có gia đình. Thậm chí, u buồng trứng đã “tấn công” các trẻ em gái, có trường hợp được ghi nhận là mới 8 tuổi.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi chữa u nang buồng trứng không nên bỏ lỡ thời gian, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và hạnh phúc sau này. Ảnh minh họa
Bé gái 13 tuổi với khối u nặng 5 kg
Bệnh viện Trung ương Huế vừa phẫu thuật cho một bé gái 13 tuổi, bóc khối u quái buồng trứng nặng trên 5 kg (có kích thước 30x25x20 cm) vào ngày 7/7 vừa qua.
Bệnh nhân là em Võ Thị Hồng L (trú tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). Em L nhập viện trong tình trạng bị nhiễm trùng nhiễm độc, sốt cao, bụng chướng căng, khó thở và suy hô hấp rất nguy kịch. Đội ngũ y bác sĩ Khoa Ngoại Nhi – Cấp cứu bụng sau khi tiến hành xét nghiệm, hội chẩn xác định bệnh nhân L mắc u quái buồng trứng vỡ gây tràn máu ổ bụng, suy hô hấp do tràn dịch màng phổi hai bên, nên chỉ định mổ cấp cứu trong đêm.
Cho đến nay, nguyên nhân gây u buồng trứng (UBT) ở trẻ vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, UBT ở trẻ em thường có nguồn gốc từ tế bào mầm (G.C.T. – gonadal germ cell tumors), 75% là lành tính. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào.
Theo ThS.BS Trương Đình Khải – Đại học Y Dược TP HCM, ở giai đoạn đầu, trẻ không có triệu chứng đặc biệt, chỉ hay đau bụng lâm râm dưới vùng rốn, sờ vào sẽ dễ dàng phát hiện u do trẻ có thành bụng mỏng. Hầu hết các bé gái được phát hiện khi nhập viện do đau bụng đột ngột, kèm theo nôn ói và có khối u ở hạ vị. Cũng có trường hợp bệnh được tình cờ phát hiện khi siêu âm bụng. Một số trường hợp trẻ có thể có chu kỳ kinh nguyệt không đều, dậy thì sớm, nam hóa, trẻ có thể đau vùng bụng dưới âm ỉ hoặc từng cơn. Đặc biệt, một số trường hợp u nang quá to gây chèn ép các cơ quan xung quanh ổ bụng thì có thể xuất hiện một số triệu chứng tưởng chừng như không liên quan đến bệnh như tiểu rắt, tiểu khó (nếu chèn ép bọng đái), táo bón (chèn ép trực tràng), phù hai chi dưới (chèn ép hệ tĩnh mạch)…
Nếu không được can thiệp đúng, UBT có thể xảy ra các biến chứng như: Xoắn u nang, nhất là đối với các u nang lớn có cuống; vỡ u nang, do u quá lớn kèm xuất huyết bên trong u; chèn ép các tạng xung quanh, khi u phát triển quá lớn và phát hiện quá muộn. Do mức độ nguy hiểm như thế, ThS.BS Trương Đình Khải khuyến cáo, nếu thấy trẻ có các triệu chứng sau thì nên đưa trẻ đi khám ngay: Đau bụng dữ dội liên tục hoặc đau co thắt vùng bụng dưới, kèm theo sốt và nôn, đôi khi có thể choáng vì đau; bụng to bất thường, sờ thấy có một khối ở vùng bụng kèm đau. Việc điều trị khối UBT tùy thuộc vào tuổi, tính chất lành hay ác tính của khối u và giai đoạn tiến triển bệnh.
Cẩn trọng với biến chứng
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện K: “Khối u phụ khoa gặp rất nhiều ở chị em phụ nữ Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Đặc biệt, rất nhiều phụ nữ trẻ hiện nay đã có khối u ở buồng trứng, có thể u nang, có thể u đặc, có thể u ác tính”. Qua đó có thể thấy u nang buồng trứng có thể gặp ở bất kì đối tượng nào, bao gồm cả những chị em đã từng hoặc chưa có quan hệ tình dục, đã có gia đình hay còn độc thân.
U nang buồng trứng được chia làm 2 loại là: U cơ năng và u thực thể. U cơ năng thường chỉ gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Nguyên nhân dẫn đến khối u này là do chu kỳ kinh không phóng noãn, qua nhiều chu kỳ nang noãn tăng dần kích thước thành u nang buồng trứng. U thực thể (u nang nước, u nang nhầy, u nang bì) gặp ở tất cả phụ nữ, từ những bé gái chưa dậy thì cho đến phụ nữ sau khi mãn kinh. Khối u to lên từ buồng trứng có thể là do viêm nhiễm, khối u lạc nội mạc tử cung hoặc khối u biểu mô, u tế bào mầm và u mô đệm…
Theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu không kịp thời phát hiện, khối u nang buồng trứng tiến triển dễ dẫn đến các biến chứng thường gặp như: Xoắn cuống khối u (gây đau bụng dữ dội), vỡ u (ngoài đau bụng còn gây xuất huyết nội), chèn ép các cơ quan lân cận như đường tiêu hóa (gây rối loạn tiêu hóa), đường tiết niệu, bọng đái (gây khó tiểu, bí tiểu)… hoặc hóa thành u ác tính.
PGS.TS Lưu Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, có rất nhiều cách để chữa u nang buồng trứng. Điều này phụ thuộc nhiều vào kích thước, các dạng nang, lứa tuổi và tình trạng sức khỏe của phụ nữ, cũng như các biểu hiện nghiêm trọng của u nang buồng trứng. Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng, bước đầu tiên các bác sĩ chẩn đoán, sau đó tiến hành các phân tích, xét nghiệm cần thiết để có chỉ định mổ hoặc điều trị thích hợp. Sau khi phẫu thuật, khối u được đem đi xét nghiệm, giải phẫu bệnh để xác định lành tính hay ác tính và có can thiệp kịp thời.
Đối với u nang buồng trứng lành tính thường là sau phẫu thuật bệnh sẽ dứt điểm, cách phẫu thuật này không làm triệt sản. Trong các trường hợp phụ nữ lớn tuổi (đã có đủ con, hay sau tuổi mãn kinh) bác sĩ thường áp dụng biện pháp cắt bỏ khối u lẫn tử cung và phần phụ còn lại.
Còn với nhóm u nang buồng trứng ác tính, cũng có nhiều phương pháp khác nhau trong điều trị. Phẫu thuật cắt bỏ trọn khối u, đồng thời làm xét nghiệm tìm tế bào ung thư di căn được áp dụng cho phụ nữ trẻ hoặc chưa có đủ số con. Đối với phụ nữ lớn tuổi (đã có đủ con), ngoài việc cắt bỏ khối u, còn cắt cả tử cung và cả phần phụ của bên còn lại.
PGS.TS Lưu Thị Hồng cũng khuyến cáo, khi chữa u nang buồng trứng không nên bỏ lỡ thời gian, nhất là với trẻ gái để giúp các em sớm chữa được bệnh, giảm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và hạnh phúc sau này của các em. Việc sớm phát hiện và điều trị cũng rất quan trọng với những phụ nữ đã có gia đình muốn mang thai. Đặc biệt, PGS.TS Lưu Thị Hồng cũng nhấn mạnh, khám phụ khoa định kì là cách tốt nhất để sớm phát hiện u nang buồng trứng.
Dưới 20 tuổi và trên 45 tuổi, dễ bị UBT ác tính
Tuy chiếm tỷ lệ thấp, nhưng UBT ác tính (ung thư) lại nguy hiểm hơn ung thư tử cung. Khảo sát của Bệnh viện Hùng Vương cho thấy, trong những bệnh nhân UBT dưới 20 tuổi, 5,4% trường hợp ung thư. Ở người trên 45 tuổi, tỷ lệ này là 6,6%. Còn ở bệnh nhân từ 20 – 45 tuổi, chỉ có 3% trường hợp UBT là ung thư. Phụ nữ độc thân và chưa sinh con cũng dễ bị ung thư buồng trứng, khoảng 40%.
Đối với ung thư có độc tính thấp, nếu phát hiện và điều trị sớm bệnh nhân vẫn có thể giữ được buồng trứng và sinh sản bình thường. Nếu phát hiện trễ, khả năng cắt bỏ tử cung và buồng trứng là rất cao nhằm đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân.
Mai Anh