Ở Việt Nam, một quốc gia mang đậm nét văn hóa Á Đông cùng nhiều lễ giáo khắt khe thì “chat sex” được xem là một hiện tượng xã hội đáng báo động. Theo phó giáo sư Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, dù nhìn nhận ở bất cứ góc độ nào thì chat sex vẫn luôn được coi là một hành vi lệch chuẩn. Chat sex bắt nguồn từ tâm lý chung của giới trẻ là thích tò mò, thích khám phá những cái hay, cái mới lạ, và đặc biệt là càng những thứ bị cấm đoán thì càng kích thích họ.
Dễ sa ngã
Ông Bình cho rằng, tâm lý muốn khẳng định mình nhưng lại thiếu hụt những kiến thức cơ bản về giới tính và kỹ năng sống khiến cho nhiều “con nghiện” rất khó thoát khỏi sự cám dỗ đầy ma lực của chat sex.
Trên thực tế, nhiều người tìm đến chat sex chỉ vì a dua, đua đòi theo bạn bè, vì muốn thử những cảm giác mới lạ hay đơn giản chỉ là để khẳng định cái tôi của bản thân. Nhưng bắt nguồn từ chính những suy nghĩ ấy mà họ đã không thể “quay đầu” khi chân lỡ bước vào thế giới chat sex.
Thạc sĩ Nguyễn Quỳnh Hoa, Viện nghiên cứu Thanh niên, cũng cho biết, hiện tượng chat sex bùng nổ từ tâm lý của giới trẻ, khi càng bị dồn nén, bị kiểm soát từ rất nhiều phía thì nó càng bị kích thích. Bên cạnh đó, tác động của môi trường sống bên ngoài cũng như việc các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển, giúp giới trẻ tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng hơn
Việc chat sex ở một bộ phận giới trẻ là rất nguy hiểm. Ban đầu có thể chỉ là cởi bỏ quần áo, khoe ngực, khoe thân, nhưng khi đã “dấn thân” vào cuộc chơi, khi nhận được sự thách thức, hay khích lệ của bạn chat thì nó không chỉ dừng lại ở đó, và một khi như vậy thì việc sa ngã, đánh mất mình rất dễ xảy ra.
Hành vi lệch lạc
“Đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nghiêm túc, quy mô nào về nguyên nhân, hậu quả, những tác động sai lệch trong ứng xử với vấn đề sex của giới trẻ nói chung và hiện tượng chat sex nói riêng”, tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, nhận định.
Theo tiến sĩ Linh, xét từ góc độ y học – tâm lý, có thể thấy nghiện chat sex không đem lại lợi ích gì cho sức khỏe, sự phát triển tâm sinh lý của thanh thiếu niên, mà trái lại đó là một nếp sống bệnh hoạn, ngày càng làm con người trở nên tự kỷ, suy đồi và què quặt, dẫn đến các nguy cơ trong vấn đề sức khỏe tình dục, sinh sản và sức khỏe tâm thần. Ở góc độ xã hội, sự sai lệch về chuẩn mực sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu kiểm soát hành vi cá nhân và nhóm, gia tăng tệ nạn xã hội và nguy cơ vi phạm pháp luật trong thanh niên.
Tiến sĩ Linh phân tích thêm, ở góc độ văn hóa, hiện tượng này là sự phá hoại nghiêm trọng thuần phong mỹ tục, văn hóa, đạo đức người Việt, các giá trị chân thiện mỹ và các giá trị giáo dục khác, không chỉ trong thanh, thiếu niên mà còn tác động xấu đến cả cộng đồng và xã hội…
“Ngày càng phổ biến hình ảnh những nam thanh, nữ tú không mặc quần áo, uốn éo, sử dụng ngôn ngữ dung tục, làm các động tác kích dục hàng giờ trước màn hình máy vi tính thay cho việc họ phải học tập, lao động và cống hiến, đáp ứng sự mong đợi kỳ vọng của gia đình, xã hội, chưa nói đến sứ mệnh và trách nhiệm cao cả đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Đó là điều nguy hiểm”, tiến sĩ Linh nói.
Cần nhiều giải pháp
Theo phó giáo sư Trịnh Hòa Bình, để hạn chế tình trạng trên, trước hết về phía gia đình cần phải quan tâm chăm lo đến con em mình. Gia đình là môi trường đầu tiên có thế mạnh và vai trò quan trọng trong việc giáo dục giới tính cho giới trẻ. Nếu cha mẹ luôn gần gũi, chia sẻ với con cái mọi điều thì sẽ tạo được sự tin tưởng từ con cái.
Bên cạnh đó, sự giáo dục từ nhỏ cũng góp phần rất quan trọng, nó sẽ dần tạo nên một phông kiến thức chuẩn, giúp giới trẻ tự biết mình cần làm gì, hiểu rõ mình muốn làm gì, cái gì phù hợp với mình… “Mỗi gia đình khi trang bị máy tính cho con thì phải quản lý được việc sử dụng máy tính của con em mình. Tốt nhất là nên để máy tính ở những nơi có thể quản lý được chứ không nên cho ở trong phòng riêng”, ông Bình cho hay.
Còn tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh lại cho rằng, giải pháp cơ bản nhất là cần có những định hướng và tổ chức thực hiện giáo dục giới tính, tình dục lành mạnh trên diện rộng cho thanh thiếu niên. Hiện nay, cả ba thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội còn khá lúng túng trong vấn đề này, nhất là chúng ta vẫn chưa xây dựng được chương trình giáo dục đồng bộ với các chuẩn mực chung về nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp cho từng lứa tuổi, cấp học.
Về lâu dài, cần củng cố hệ thống các giá trị, chuẩn mực văn hóa trong thanh niên thông qua tăng cường giáo dục và tuyên truyền một cách có hiệu quả về giá trị truyền thống, tích cực kết hợp với các giá trị sống hiện đại lành mạnh, tiến bộ. Trong vấn đề này, việc xây dựng các biểu tượng văn hóa mới là quan trọng nhất. Sự thiếu hụt về văn hóa thanh niên hiện nay so với các thế hệ trước đây là chính là sự thiếu vắng các biểu tượng văn hóa.
Theo chuyenkhonoi