Y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian coi ba kích là vị thuốc bổ thần kinh và tinh khí, trợ dương, kích thích tinh dục, trừ phong thấp chữa bệnh liệt dương, sớm xuất tinh, di mộng tinh, lưng gối đau mỏi. Người lớn, nhất là từ 30 tuổi trở lên dùng rất tốt. Ngày uống 12-20g dưới dạng thuốc sắc, cao lỏng, thuốc viên hoặc rượu ngâm.
Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong những phương thuốc sau:
Rễ ba kích
Bài 1: Ba kích 16g; dâm dương hoắc, sa sâm, thỏ ty tử, nhục thung dung, câu kỷ tử, mỗi thứ 12g; đỗ trọng, đương quy, cam thảo, mỗi vị 8g; đại táo 3 quả. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, ngâm với 1 lít rượu 35-40 độ (càng lâu càng tốt) uống trong vòng 1 tuần, ngày 2 lần, mỗi lần 15ml. Hoặc sắc với nước uống trong 3 ngày.
Bài 2: Ba kích 60g; tục đoạn, cẩu tích, hạt sen, mỗi thứ 40g; kim anh, tua sen, hoài sơn, mỗi thứ 20g; mẫu lệ nướng 10g. Tất cả đem tán thành bột, trộn với mật làm viên bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 10-20 viên chia làm 2 lần.
Bài 3: Ba kích 100g, hà thủ ô đỏ 100g, tắc kè 50g, hoàng tinh, hoặc thục địa 100g, đại hồi 10g. Tắc kè ngâm với đại hồi trong rượu 35 độ để được 350ml. Các dược liệu khác cũng ngâm với rượu 35 độ trong 10-15 ngày được 700ml. Hòa lẫn hai rượu với nhau, thêm 100g đường kính (đã nấu thành siro) để thành 1 lít. Lọc kỹ. Ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 15-20ml sau bữa ăn hay trước khi đi ngủ.
Bài 4: Ba kích 20g, sinh địa 20g, đỗ trọng, đương quy, hoàng kỳ, ngưu tất, tục đoạn, mỗi thứ 12g; cam thảo 8g. Sắc hoặc tán bột làm viên, uống ngày 20-30g.
Bài 5: Ba kích 15g, thục địa 15g, sơn thù du 12g, kim anh 12g. Tất cả sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống trong ngày.