Trông bạn chưa ra dáng một bà bầu (thậm chí còn chưa có bất kỳ biểu hiện ốm nghén nào) nhưng bé yêu trong bụng lại đang lớn rất nhanh.
Sự phát triển của bé yêu
Tuần này, trái tim nhỏ, dù mới chỉ bằng kích cỡ của 1 hạt vừng nhưng đã bắt đầu đập trong khi bào thai thì giống như một con nòng nọc hơn là một con người. Các bộ phận chính như tim, thận đã bắt đầu phát triển.
Trên thân của “chú nòng nọc” đã bắt đầu chồi ra những mầm bé xíu mà sau này sẽ thành chân và tay. Ruột cũng đang phát triển và ruột thừa đã xác lập được vị trí.
Miệng cũng bắt đầu hình thành, các nếp gấp nhỏ ở dưới chính là “khởi thủy” của cổ sau này. Mũi đã rõ rệt và “tiền thân” của võng mạc cũng đang hình thành.
Những thay đổi của người mẹ
Các biểu hiện của thai nghén tiếp tục hoặc bắt đầu vào tuần này. Nếu giống như đa phần các phụ nữ khác, bạn cần lưu ý với tình trạng buồn nôn (mà không chỉ xảy ra vào buổi sáng), mệt mỏi, căng ngực và đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Tất cả những biểu hiện này đều là bình thường. Dù chúng có thể gây phiền toái cho bạn nhưng đó là một phần của quá trình mang thai. Vì vậy, chúng sẽ không tồn tại lâu.
Một số phụ nữ đau đầu trong giai đầu thai kỳ, vậy thì hãy thử áp dụng một số gợi ý để xem cách nào phù hợp.
Tuy nhiên, có một số biểu hiện nghén mà bạn không nên coi thường. Nếu cảm thấy bất an trước bất kỳ dấu hiệu nào trong giai đoạn đầu thai kỳ, hãy tới phòng khám chuyên khoa ngay lập tức. Các bác sĩ sẽ giúp bạn.
Một điều quan trọng là bạn nên chú ý tới việc ăn uống để thai nhi nhận được các dưỡng chất tối ưu nhất. Chia nhỏ bữa ăn và uống thường xuyên sẽ ngăn ngừa tình trạng khó tiêu cũng như giảm buồn nôn, mệt mỏi. Cố gắng ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là khi bạn đang ăn chay.
Lời khuyên hữu ích
Một trong những cách giảm ốm nghén hiệu quả là thử ăn dưa chuột. Nó rất hiệu quả với một số người đấy.
Hoạt động cộng đồng
Nếu lần đầu tiên làm mẹ, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên về những biểu hiện và cảm giác khi cái thai trong bụng lớn dần lên. Hãy chia sẻ và cùng cảm nhận với những người đồng cảnh để biết được đâu là bình thường, đâu là không ổn.
Những việc cần lưu tâm
Tăng cường vitamin C, đặc biệt là thời điểm này, khi các tế bào phôi mầm đang lớn lên rất nhanh. Những nguồn thực phẩm giàu vitamin C là: cam, hạt tiêu đỏ, dâu tây, xoài, nho đen và kiwi.
Nếu bạn mang thai khi đã ngoài 35 tuổi, nếu cảm thấy lo lắng về bất thường về gien, hãy trao đổi với bác sĩ để được làm các xét nghiệm cần thiết.
Nếu từng đau đầu trước khi có thai và tiếp tục nặng hơn trong giai đoạn này thì hãy thử áp dụng một số cách tích cực trị chứng đau đầu.
Những lo lắng thường gặp
Tôi cần bao nhiêu năng lượng ở thời điểm này? Tôi đang rối tinh rối mù với những lời khuyên của bạn bè, họ hàng đây.
Thực tế bạn thường được khuyên là ăn cho 2 người nhưng bạn chỉ cần “nạp” theo mức cũ 200 – 300 calo/bữa. Mức này tương đương với 2 lát bánh mỳ nướng phết bơ/margarine, hoặc 1 gói khoai nhỏ với 25g phô mai hay đơn giản chỉ là 1 cốc sữa.
Tại sao vệ sinh an toàn thực phẩm lại quan trọng? Tôi cần đề phòng những loại thực phẩm nào?
Ở những nước nóng ẩm như Việt Nam, vấn đề vệ sinh thực phẩm luôn cần được ưu tiên hàng đầu để đảm bảo an toàn tối đa cho sức khoẻ của cả mẹ và bé. Thậm chí, với thực phẩm đã nấu chín để trong tủ lạnh qua đêm cũng có thể là mọt nguồn thức ăn ô nhiễm. Vậy nên hãy cố gắng ăn tươi và chỉ nấu vừa đủ, tránh thừa.