Thành tựu 50 năm triển khai công tác DS-KHHGĐ (26.12.1961-26.12.2011): Góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội.
Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, trong lúc miền Bắc vừa phải tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho miền Nam tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, có rất nhiều việc cấp bách cần được thực hiện, nhưng nhận thức được tác động của sự gia tăng dân số ảnh hưởng tới phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ngày 26-12-1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Quyết định số 216-CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của Việt Nam về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Với quyết định này, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á triển khai chương trình DS-KHHGĐ. Và bắt đầu từ năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh trên phạm vi cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên, các chỉ tiêu về dân số được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc.
Người dân xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) tìm hiểu về KHHGĐ trong Chiến dịch lồng ghép CSSKSS năm 2011
Tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VII) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Chính sách DS-KHHGĐ”, mở ra trang sử mới về công tác DS-KHHGĐ ở nước ta. Có thể nói, giai đoạn 1991-2000 là một thời kỳ rất thành công của công tác DS-KHHGĐ, đó là cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần “không để một tổ chức, cá nhân nào đứng ngoài cuộc vận động này”. Thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về DS-KHHGĐ cũng như ngân sách Nhà nước đầu tư đáng kể cho công tác DS-KHHGĐ… Phải nói rằng, 50 năm qua thực sự là một “cuộc cách mạng” trong sinh đẻ: từ việc sinh đẻ mang tính tự nhiên, bản năng sang việc sinh đẻ mang tính chủ động, có kế hoạch; từ việc sinh nhiều con, chất lượng thấp sang việc sinh ít con, chất lượng ngày càng cao. Theo số liệu thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ thì số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm được 4,3 con (từ 6,3 con năm 1960 xuống còn 2,0 con vào năm 2010), trong khi trung bình trên toàn thế giới giảm được 2,5 con (từ 5 con xuống còn 2,5 con). Tuổi thọ bình quân tăng thêm 33 tuổi (từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2010), trong khi tuổi thọ trung bình của thế giới chỉ tăng thêm là 21 tuổi (từ 48 tuổi lên 69 tuổi). Tỉ lệ tăng dân số giảm từ 3,8% năm 1960 xuống còn 1,05% năm 2010.
Cách đây 20 năm, các nhà khoa học đã dự báo đến năm 2010, dân số Việt Nam sẽ lên tới 105,5 triệu người. Tuy nhiên, trên thực tế, quy mô dân số năm 2010 của nước ta chỉ là 87 triệu người, thấp hơn so với dự báo là 18,5 triệu người. Chính sách dân số của nước ta từng bước được điều chỉnh theo hướng bao quát toàn diện hơn, chú trọng nâng cao chất lượng dân số và thích ứng với những biến đổi về cơ cấu dân số. Những thành tựu của công tác DS-KHHGĐ đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Những kết quả đó cũng đã góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại tỉnh ta, cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, công tác DS-KHHGĐ cũng đã gặt hái được những thành công đáng ghi nhận. Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược DS-KHHGĐ (2000-2010) thì từ một tỉnh có mức sinh cao, Đắk Nông đã dần trở thành một trong những tỉnh có mức giảm sinh nhanh. Nếu năm 2004, mức giảm sinh là 28,1%o, thì đến năm 2009 đã giảm xuống chỉ còn 22,9%o, bình quân mỗi năm giảm từ 1%o đến 1,1%o, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng tỉ suất sinh cũng nhờ đó giảm đáng kể. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 3,6 con năm 2001 xuống còn 2,35 con năm 2009. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 2,44% năm 2001 xuống còn 1,75% năm 2009. Tỉ suất chết sơ sinh cũng đang có chiều hướng giảm mạnh, chỉ còn 12,9% năm 2009. Nhờ thực hiện tốt các chỉ tiêu về KHHGĐ nên tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đã tăng từ 74,3% năm 2004 lên 79,2% năm 2009; tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 65,2% năm 2004 lên 69,5% năm 2009, góp phần giảm tình trạng có thai ngoài ý muốn, giảm tỉ lệ nạo phá thai và giảm tỉ lệ sinh con thứ 3. Từ đó, chất lượng dân số ngày càng được cải thiện, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 39,5% năm 2004 xuống còn 28,8%. Chỉ số phát triển con người và tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng lên. Những kết quả về dân số cũng đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, đời sống người dân không ngừng được cải thiện về nhiều mặt.