Trong những năm qua, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh việc thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm giảm tỉ lệ sinh, ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức về DS-KHHGĐ, thay đổi hành vi cho người dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng.
Cán bộ dân số đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền thông thay đổi hành vi của người dân về KHHGĐ và CSSKSS
Theo đó, trên cơ sở cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, với các nội dung, hình thức phù hợp từng khu vực, từng vùng và từng nhóm đối tượng, ngành đã tập trung vào các hoạt động truyền thông trực tiếp, tư vấn, sinh hoạt nhóm, cộng tác viên để tạo sự thay đổi hành vi bền vững về DS-KHHGĐ. Công tác phối, kết hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể luôn được chú trọng nhằm phát huy tối đa khả năng tuyên truyền và tinh thần cộng đồng trách nhiệm. Việc triển khai các đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn cũng luôn được quan tâm. Hàng năm, thông qua chiến dịch đã đảm bảo thực hiện từ 50%-70% chỉ tiêu kế hoạch cả năm về các biện pháp tránh thai lâm sàng; trên 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thuộc địa bàn chiến dịch được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về SKSS-KHHGĐ và có đến 90% đối tượng được điều trị bệnh phụ khoa thông thường… Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thu hút đông đảo người dân tham gia, trước mỗi đợt chiến dịch, các địa phương đều tiến hành truyền thông lưu động. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 62 lượt tuyên truyền bằng xe lưu động và truyền thông trực tiếp tại 31 xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết thúc hai đợt chiến dịch đã có hàng ngàn lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được cấp phát các dịch vụ tránh thai, khám và điều trị phụ khoa. Cùng với đó, cộng tác viên ở các thôn, bon, buôn thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giải thích cho người dân hiểu rõ về ý nghĩa của việc thực hiện KHHGĐ và CSSKSS. Việc cấp phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu cũng được các địa phương thực hiện một cách nghiêm túc, tạo hiệu ứng tuyên truyền rõ rệt, nhất là ở những vùng còn có tỉ lệ sinh cao.
Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng đã tổ chức hàng chục buổi nói chuyện chuyên đề ở các thôn, buôn, bon có tỉ lệ sinh cao, với các nội dung liên quan đến vấn đề thực hiện KHHGĐ, CSSKSS, các vấn đề khúc mắc trong cuộc sống hôn nhân, gia đình… Ngoài ra, để nâng cao nhận thức cho các đối tượng là thanh niên và vị thành niên, các địa phương đã thành lập được gần 100 câu lạc bộ truyền thông, duy trì sinh hoạt theo những chủ đề thích hợp. Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, các đối tượng được trang bị các kiến thức như: Luật Hôn nhân và gia đình, tác hại của nạo phá thai, tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống… Nhờ đa dạng hóa các nội dung sinh hoạt nên các câu lạc bộ ngày càng thu hút được nhiều người đủ mọi lứa tuổi tham gia, từ đó có điều kiện giải bày những thắc mắc thầm kín của mình. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các địa phương cũng đã thành lập được 128 câu lạc bộ tiền hôn nhân, tiến hành khám sức khỏe cho 100% các đối tượng chuẩn bị kết hôn. Đối với những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì các địa phương thành lập được 115 câu lạc bộ không sinh con thứ ba. Tại các buổi sinh hoạt, các cặp vợ chồng có dịp trao đổi với nhau về việc thực hiện KHHGĐ, kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc cũng như cùng nhau tìm hiểu các chủ trương, chính sách chung về DS-KHHGĐ. Vì vậy, qua quá trình sinh hoạt, không những là thành viên của câu lạc bộ, các cặp vợ chồng còn là những cộng tác viên dân số đắc lực, nhiệt tình, góp một phần công sức vào công tác tuyên truyền, vận động người dân ở các địa bàn dân cư.
Có thể nói, với việc tổ chức các hoạt động truyền thông có hiệu quả nên từ đầu năm đến nay, ngành dân số đã đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra, nhất là việc thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt tỉ lệ rất cao. Đặc biệt, nhận thức của đông đảo người dân về vấn đề DS-KHHGĐ ở các vùng dân cư ngày càng đầy đủ, có sự tiến bộ hơn.