Trong những năm qua, xã Quảng Tân luôn xác định để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về kinh tế, chính trị, xã hội, từng bước đảm bảo đời sống cho nhân dân thì việc cần thiết phải làm là nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là dân tộc thiểu số về việc kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).
Do đó, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số xã luôn nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, tận tình đi xuống từng địa bàn cơ sở, nắm bắt tình hình dân cư tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu về sinh đẻ có kế hoạch, sử dụng các biện pháp tránh thai khoa học hiện đại tránh sinh con ngoài ý muốn.
Cùng với việc thường xuyên thông báo cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ về thời gian sử dụng thuốc tránh thai, thì riêng với những chị em đang mang thai cũng được cộng tác viên dân số nhắc nhở lên trạm y tế khám thai, tiêm phòng đúng kỳ, giữ gìn sức khỏe để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, không để xảy ra tử vong mẹ, trẻ sơ sinh.
Thông qua các buổi họp thôn, buôn, sinh hoạt khối đoàn thể, cán bộ chuyên trách dân số chủ động kết hợp với những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhất là ban tự quản thôn, buôn tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết về Pháp lệnh Dân số, cuộc vận động quốc gia “Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”, chỉ tiêu dân số, quy ước, hương ước thôn, buôn về dân số, KHHGĐ…
Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì cộng tác viên chú trọng phân tích, chỉ cho chị em thấy nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, lạc hậu, trẻ suy dinh dưỡng, mù chữ góp phần nâng cao ý thức cho bà con về KHHGĐ, xóa bỏ suy nghĩ sinh đông con cho đủ nếp đủ tẻ.
Nhờ nhận thức đúng đắn về DS-KHHGĐ, nên hiện nay, hầu hết các thôn, buôn trong xã đều đã đưa tiêu chí sinh ít con vào trong các quy ước, hương ước và bình xét thi đua khen thưởng cuối năm, trở thành quy tắc bắt buộc người dân phải thực hiện, nhất là đảng viên.
Không chỉ vậy, vào những đợt diễn ra chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, cán bộ dân số xã đều phối hợp với tuyến trên tư vấn, hướng dẫn, cấp phát tài liệu liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, bà mẹ và trẻ em cũng như DS-KHHGĐ, thu hút nhiều chị em tham gia hưởng ứng.
Thực tế cho thấy, cũng nhờ có sự nỗ lực trên mà số chị em sử dụng các biện pháp tránh thai trên địa bàn xã đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm đáng kể.
Chị Mai Thị Lý – Cộng tác viên dân số buôn Bu Ndrong B – cho biết: “Nhận thức của người dân trong buôn về sinh đẻ có kế hoạch, sử dụng biện pháp tránh thai khoa học đã được nâng lên rõ rệt. Phần lớn chị em cũng nhận ra được cái bất lợi khi sinh đông con và tự nguyện dùng các biện pháp tránh thai khoa học.
Với những chị có hoàn cảnh khó khăn thì cộng tác viên chúng tôi giúp đỡ, hỗ trợ về ngày công để các chị ra trạm y tế thực hiện KHHGĐ. Những hộ cố tình đẻ nhiều thì chúng tôi kết hợp với trưởng buôn bắt buộc phải sử dụng biện pháp tránh thai. Vì vậy, hai năm nay, buôn không còn hộ sinh con thứ ba, tỷ lệ trẻ đến trường luôn đạt 100%”.
Còn chị Đỗ Thị Mai ở thôn 9 tâm sự: “Sau khi được cộng tác viên dân số hướng dẫn các biện pháp tránh thai, tôi đã tự nguyện ra trạm y tế để tiêm thuốc tránh thai. Tôi thấy, việc tiêm thuốc tránh thai không ảnh hưởng đến sức khỏe nên rất yên tâm, thoải mái để lao động”.
Có thể nói, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về KHHGĐ mà tình trạng sinh con ngoài ý muốn của người dân đã giảm rõ rệt. Từ đầu năm đến nay, xã Quảng Tân có 2242 chị trong độ tuổi từ 15-49 thì có tới 1.361 chị sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Trong tổng số 175 trẻ ra đời thì chỉ có 23 cháu là thứ ba.
Theo chị Nguyễn Thị Bắc – Cán bộ chuyên trách dân số xã, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Tuy nhiên cùng với sự nỗ lực của những người làm công tác chuyên môn thì chính quyền các cấp, khối đoàn thể và bản thân mỗi người dân cũng cần quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ dân số phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bình ổn dân số.