Nói tới việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), không ít người nghĩ ngay rằng đó là “việc của chị em”. Vai trò của người đàn ông dường như mờ nhạt, thậm chí nhiều người nghĩ họ vô can.
Nam giới thường là người quyết định việc có hay không sử dụng các biện pháp KHHGĐ. Trong khi đó, thống kê của Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và Môi trường phát triển (CGFED) cho thấy, Việt Nam là một trong ba nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới và 80% lượng khách của các chương trình sức khỏe sinh sản – KHHGĐ là phụ nữ. Điều đó chứng tỏ, trách nhiệm của nam giới trong việc thực hiện KHHGĐ chưa cao.
Cán bộ dân số tuyên truyền các biện pháp tránh thai cho phụ nữ quận Hoàn Kiếm.
Để nam giới nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của việc KHHGĐ, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, thì công tác tuyên truyền, vận động là rất cần thiết. Câu chuyện “vỡ kế hoạch” của vợ chồng chị T. (phường Chương Dương) là do chị bị dị ứng với vòng tránh thai, còn chồng chị không chịu sử dụng BCS là ví dụ. Sau hàng chục lần nạo phá thai (có năm tới 5 lần), gia đình chị T. chẳng mấy khi yên ấm, còn chị T. ngày một tàn tạ, héo hon.
Cuộc sống gia đình chị T. chỉ thực sự thay đổi khi anh Vũ Văn Tiếp, CTV dân số của phường, thuyết phục được chồng chị sử dụng BCS. Không chỉ chồng chị T. hiện nay, nhiều người đàn ông vẫn xem nhẹ việc áp dụng các biện pháp KHHGĐ. Trong hầu hết các buổi truyền thông, tọa đàm, chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ, chị em chiếm số đông, còn “đối tượng đích” là nam giới trong độ tuổi sinh đẻ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Không đơn lẻ vận động mà tranh thủ sự vào cuộc của các đoàn thể, chính quyền là kinh nghiệm quý trong việc vận động nam giới tham gia các buổi truyền thông về KHHGĐ ở quận Hoàn Kiếm. Bà Trương Thị Thanh Nhàn, GĐ Trung tâm Dân số quận cho biết: Thời gian đầu, số nam giới tham gia các buổi truyền thông dân số ở các phường rất ít, có buổi chỉ được vài ba người, nhưng hiện nay anh em đến dự đông hơn.
Nhận thức được việc KHHGĐ để nuôi dạy con cho tốt, bác Ngọc ở phường Hàng Mã chia sẻ: “Muốn làm tốt công tác KHHGĐ phải nâng cao nhận thức về bình đẳng giới từ trong chính gia đình”, vì vậy bác đã vận động con gái và con rể chỉ đẻ 2 con, dù là 2 gái. Với sự cố gắng của ngành dân số làm thay đổi nhận thức của người dân về vai trò của “phái mạnh” trong việc KHHGĐ nên trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ của quận Hoàn Kiếm đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Số trường hợp sinh con thứ 3 ít hơn so với cùng kỳ năm 2008, số ca nạo phá thai cũng giảm đáng kể.
Ở Việt Nam, thường là trụ cột trong các gia đình nên vai trò của nam giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, công tác DS-KHHGĐ chỉ thành công và thành công một cách bền vững khi những “trụ cột” này thay đổi nhận thức và quan niệm cho rằng đây chỉ là việc của chị em. Là “trụ cột” nên vai trò của nam giới có ý nghĩa quan trọng. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cũng coi sự tham gia của nam giới vào việc KHHGĐ là một chiến lược, hứa hẹn giải quyết một số vấn đề bức bách hiện nay về DS.