Ung thư nhau thai là giai đoạn chuyển sang biến chứng ác tính của thai trứng hay còn gọi là chửa trứng. Tuy nhiên, người phụ nữ còn chưa biết đến căn bệnh ác tính này dễ di căn sang phổi, gan, thận, não…
Ung thư nhau thai chiếm tỷ lệ khá cao ở Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác, khoảng 30/1.000 ca sinh và 2,6/1.000 ca có thai. Người mắc bệnh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, các tế bào ung thư sẽ di căn đến những cơ quan nội tạng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Yếu tố nguy cơ từ thai trứng
Trong các trường hợp mang thai bình thường, mỗi giai đoạn khác nhau đều có tổ chức đệm cơ và mao mạch để dẫn máu nuôi dưỡng thai nhi.
Thế nhưng, trong các trường hợp thai trứng, vì một lí do nào đó, lớp tế bào nuôi và hội bào tăng sản hoặc loạn sản, biến thành các nang nước. tình trạng này khiến tử cung căng to, lấn át sang các vùng xung quanh. Bào thai bị chết hoặc tiêu đi. Đây là giai đoạn thai trứng chuyển sang ung thư nhau thai, mang cấp độ ác tính.
Do vậy, trước khi có kế hoạch sinh con, phụ nữ cần nhận biết các yếu tố nguy cơ dấn đến thai trứng và ung thư nhau thai để có cách phòng tránh như:
- Hiện nay, y khoa vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân gay thai trứng. Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học cho thấy có thể do sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh đã dẫn đến những bất thường ở bộ nhiễm sắc thể. Khoảng 90% trường hợp thai trứng bắt nguồn từ người cha và 10% từ người mẹ. Nếu phụ nữ mang thai trên 35 tuổi, quá trình thụ tinh dễ gặp bất thường. Do đó bạn cần xem xét về độ tuổi thích hợp khi sinh con.
- Chế độ ăn thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, axit folic, carotene, vitaminA dễ có nguy cơ bị thai trứng toàn phần. Khi lên kế hoạch mang thai, người mẹ cần uống thêm các viên bổ sung a-xit folic. Các bác sĩ sản khoa cũng khuyến khích chị em nên khám sức khỏe tổng quát và được tư vấn về chế độ dinh dưỡng chuẩn bị cho việc mang thai.
Phương pháp điều trị bệnh
Đa số các trường hợp ung thư nhau thai thường không có dấu hiệu báo trước đến khi bệnh bột phát. Tuy nhiên, với bệnh nhân bị ung thư nhau thai do thai trứng, ở giai đoạn đầu, 90 -97% các trường hợp có xuất huyết âm đạo từ ít tới ồ ạt. Người bệnh đau bụng từng cơn, nôn nhiều và kéo dài, cơ thẻ tăng nhiệt, tử cung to do chứa máu và mô thai trứng…
Khi xác định thai trứng, bệnh nhân sẽ được điều trị bệnh kết hợp như tiền sản giật, cường giật, thiếu máu, rối loạn điện giải. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật lấy khối thai bằng cách hút nạo. Phương pháp này giúp tiết kiệm thời gian thực hiện và không gây biến chứng tử cung. Trường hợp thai trứng diễn biến sang ung thư nhau thai, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân tiến hành phương pháp hóa trị.
Bệnh nhân điều trị ung thư nhau thai thành công vẫn có khả năng mang thai lại. Tuy nhiên, họ cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện, điều trị kịp thời các biến chứng ác tính sau đó và tuyệt đối tránh thai trong một năm.