Chỉ ngửi mùi cà phê cũng khiến bạn phải chạy vào toilet. Hoặc dạ dày bạn lúc nào cũng sôi lên khi nghĩ đến món trứng rán… Đó là biểu hiện thường gặp của ốm nghén, mà phổ biến nhất là lúc sáng sớm.
Một số bà bầu có thể chỉ nghén trong giai đoạn đầu, và sẽ đỡ hơn nhiều trong các tháng sau. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy, một số phụ nữ nghén suốt thai kỳ. BBC đưa ra nguyên nhân và cách làm giảm nghén.
Nguyên nhân gây ốm nghén
Hoóc môn tiết ra khi người mẹ mang thai sẽ luân chuyển khắp cơ thể. Một giả thuyết cho rằng chúng là thủ phạm gây ốm nghén, cũng như có tác dụng bảo vệ bào thai khỏi những thứ gây hại. Thực tế, có một vài nghiên cứu đã phỏng đoán rằng những bà bầu ốm nghén nặng thường ít bị sảy thai, và những điều ủng hộ giả thuyết này là ốm nghén thường chấm dứt khi các nội tạng chính của bé đã hoàn thiện.
Điều trị ốm nghén, các bà bầu nên:
- Ăn những mẩu snack nhỏ thường xuyên để giảm bớt các triệu chứng buồn nôn, sôi bụng. Tránh ăn bữa quá no, đặc biệt khi có nhiều mỡ, vì chúng sẽ gây sức ép lên hệ tiêu hóa.
- Đừng để dạ dày của bạn trống rỗng lâu hơn 2 tiếng. Hãy ăn một miếng bánh quy, bánh mỳ nướng để dạ dày tiếp tục hoạt động.
- Để bánh quy ở đầu giường và ăn 1-2 chiếc trước khi ngồi dậy buổi sáng. Nếu bạn thức dậy trong đêm, một chiếc bánh nhỏ cũng giúp ngăn ngừa các cơn buồn nôn.
- Hoa quả hoặc thực phẩm mặn sẽ ngăn ngừa các cơn buồn nôn tốt hơn là bánh ngọt.
- Ăn bất cứ thứ gì bạn thèm (trong mùa)
- Gừng đã được chứng minh tác dụng giảm nghén. Nó an toàn cho thai kỳ và bạn có thể dùng ở một số dạng – trà gừng hoặc bánh quy gừng.
Nghén nặng
Bạn nên tư vấn bác sĩ nếu cơn nghén ảnh hưởng nặng đến thể trạng, khi bạn không thể giữ nổi thức ăn hoặc đồ uống trong bụng, hoặc nếu bạn quá mệt. Thậm chí bạn có thể phải nằm viện để tránh mất nước và suy kiệt. Một số trường hợp còn phải uống thuốc điều trị. Việc này không gây hại đến cơ thể bạn, và thường sẽ chấm dứt khi em bé ra đời.
Theo suckhoesinhsan